Đa dạng thị trường tiêu thụ nhãn tươi

Để tiêu thụ thuận lợi nhãn tươi, Hưng Yên và Sơn La đang tích cực quảng bá cho sản phẩm này.

Hiện nay, hai vùng trồng nhãn lớn ở phía bắc là Hưng Yên và Sơn La đang bước vào vụ thu hoạch. Với sản lượng dự kiến hàng trăm nghìn tấn trong vụ này, các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhãn tại thị trường trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con nông dân.

Giảm chi phí sản xuất

Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có 24ha trồng nhãn, chủ yếu là các giống nhãn: Hương chi, T6, siêu ngọt… Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã đã xây dựng mô hình sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGAP. Các quy trình sản xuất của thành viên được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng” và tăng cường bón phân hữu cơ, theo Báo Tin tức.

Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu cho biết: Hiện nay, 100% diện tích trồng nhãn của Hợp tác xã được sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhãn quả sản xuất theo quy trình VietGAP có các ưu điểm: vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt, thơm, đa dạng thị trường tiêu thụ, giá bán cao… Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhãn quả của Hợp tác xã vẫn tiêu thụ ổn định với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg nhãn Hương chi.

Vụ nhãn năm nay, sản lượng nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu) ước đạt hơn 200 tấn. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo cho biết: Để phát huy hiệu quả trồng nhãn, Hợp tác xã tích cực vận động thành viên chuyển đổi sang trồng các giống nhãn chất lượng, đặc sản; 100% diện tích nhãn của Hợp tác xã được sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhãn quả VietGAP có mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm 10% so với sản xuất truyền thống, năng suất cao hơn từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhãn quả VietGAP được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường do đáp ứng được mẫu mã và chất lượng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà vườn, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP cho các chỉ số chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, canh tác bền vững và giảm chi phí sản xuất.

Ông Cao Cường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết: Hiện nay, thành phố Hưng Yên có trên 1 nghìn ha trồng nhãn, tập trung ở các xã: Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng… Xác định nhãn là cây trồng có thương hiệu và chủ lực, thành phố tích cực vận động các nhà vườn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nhãn hữu cơ, an toàn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn VietGAP. Cùng với đó, vận động các nhà vườn thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn tạo tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thành phố có trên 300ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP, một số Hợp tác xã đã xuất khẩu nhãn quả tươi sang thị trường EU, Hàn Quốc…

Để mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn quả, đến nay, tỉnh đã xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 17 mã số vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng các tiêu chí ở các địa phương: thành phố Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, với tổng diện tích gần 300ha. Đây là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn của tỉnh sang các nước: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Thực tế cho thấy, sản xuất nhãn an toàn, chất lượng là hướng đi đúng và hiệu quả trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Vụ nhãn năm 2021, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhãn quả tươi Hưng Yên vẫn tiêu thụ ổn định; một số sản phẩm nhãn chín sớm, nhãn đường phèn, nhãn cùi vân vẫn được khách hàng ưa chuộng với giá bán từ 50 đến 150 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, các sản phẩm nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP của một số Hợp tác xã, nhà vườn được tham gia bày bán trên các trang thương mại điện tử, liên kết tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, nhà hàng.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện các đề án, mô hình sản xuất nhãn theo hướng hàng hóa, chất lượng nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, mở rộng vùng trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, các Hợp tác xã, nhà vườn cũng cần chủ động đầu tư mặt bằng sơ chế, trang thiết bị bảo quản để bảo đảm chất lượng nhãn quả sau thu hoạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đến thu mua...

Đa dạng kênh tiêu thụ

Theo  Hà Nội mới, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, nông dân đầu tư chăm sóc tốt nên nhãn được mùa, sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 5%, nhãn chính vụ khoảng 85%, còn lại là trà nhãn chín muộn. Diện tích nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích.

Nhằm bảo đảm tiêu thụ tốt quả nhãn tươi trong niên vụ này, tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các địa phương trong nước và tại các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia…

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ việc mời gọi, kết nối các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chợ đầu mối tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại để tìm hiểu, ký kết tiêu thụ nhãn; hỗ trợ đưa quả nhãn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số hóa; tích cực tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tư vấn, hỗ trợ đóng gói, vận chuyển đưa quả nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trong cả nước; phối hợp các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế để kết nối, tìm kiếm thị trường mới, nhất là các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Australia...

Sơn La là tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhất vùng Tây Bắc với hơn 20.000ha và sản lượng ước đạt hơn 100.000 tấn. Để giúp người trồng nhãn tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, tránh gặp khó khăn như các năm trước thì trước khi vào vụ thu hoạch, tỉnh Sơn La đã đưa ra các giải pháp cụ thể cũng như chủ động kết nối tiêu thụ nhãn tại các địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khảo sát địa điểm và làm việc với cơ quan liên quan tổ chức Tuần lễ Thương mại, du lịch và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại thành phố Đà Nẵng năm 2022; ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ các hợp tác xã và nhà vườn thông tin về thị trường, giá các sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm nhãn quả tại thị trường trong và ngoài nước; tập trung giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn tại khu vực miền trung, miền nam; mở rộng liên kết các doanh nghiệp thu mua, gửi sản phẩm chào hàng sang thị trường Cộng hòa Séc, Đông Âu.

Trong đó, tỉnh đã tập trung rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện, nâng cao năng lực thu hái, bảo quản, đóng gói sản phẩm nhãn quả tươi và long nhãn phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU, Vương quốc Anh và Trung Quốc. Tỉnh Sơn La cũng đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kế bổ sung mẫu mã, bao bì phù hợp với từng thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước, phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng nhãn năm 2022 bảo đảm yêu cầu “được mùa, được giá, được thu nhập” cho các hợp tác xã và hộ dân sản xuất nhãn.

Được thành lập từ năm 2016, Hợp tác xã Phương Nam ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có trên 85 ha trồng nhãn ghép; trong đó, có 57 ha đã được cấp mã vùng trồng của Trung tâm kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây cũng là hợp tác xã đầu tiên tại tỉnh Sơn La có sản phẩm nhãn an toàn được lựa chọn để để đưa lên suất ăn các chuyến bay.

Anh Trần Như Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam chia sẻ, hiện hợp tác xã đang sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và định hướng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, hợp tác xã đã nghiên cứu và tự sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phế thải nông nghiệp trên địa bàn như: lõi ngô, chất thải chăn nuôi, mùn, mày ngô, trộn cùng với chế phẩm sinh học. Khi sử dụng phân hữu cơ tự sản xuất, toàn bộ diện tích đất rất tơi xốp, giữ được nước nên cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt. Với việc được nhiều công ty chọn mua nhãn của hợp tác xã đã khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La, góp phần đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm. Người trồng nhãn đã yên tâm hơn vì không còn lo lắng đến việc tìm đầu ra vì đã có các nhà cung cấp đến tận vườn thu mua.

Còn Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm, huyện Yên Châu đang liên kết 170 hộ sản xuất 400 ha nhãn. Mặc dù nhãn năm nay tỷ lệ đậu quả thấp, nhưng sản lượng nhãn của hợp tác xã vẫn đạt gần 3.000 tấn quả. Bên cạnh việc áp dụng quy trình an toàn vào sản xuất nhãn, những năm gần đây, nhiều thành viên của hợp tác xã đã chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, sản lượng nhãn của hợp tác xã đều được các doanh nghiệp, thương lái đặt mua.

Ông Dương Mạnh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm cho biết, lượng tiêu thụ nhãn năm nay so với mọi năm ổn định hơn, giá cả trung bình từ 17.000 đồng-22.000 đồng/kg. Dự kiến sản lượng năm nay không đủ cung ứng cho thị trường vì có nhiều đơn đặt hàng hơn những năm trước.

Huyện Yên Châu hiện có trên 2.200 ha nhãn, sản lượng năm 2022 ước đạt trên 15.000 tấn. Nhãn được trồng tập trung tại các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài và Chiềng Đông.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, để chủ động đầu ra cho sản phẩm, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn. Đồng thời, chủ động mời các doanh nghiệp có mối liên hệ từ các năm trước, các đơn vị đầu mối, hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại huyện Sông Mã hiện có gần 7.500ha nhãn, sản lượng ước đạt trên 60.000 tấn. Trên địa bàn huyện đã được cấp 46 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 570 ha. Theo đó, 9 mã vùng trồng nhãn xuất sang thị trường Mỹ với diện tích 32,3 ha, dự kiến sản lượng 385 tấn; 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 365,5 ha, dự kiến sản lượng 4.348 tấn; 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand với 173 ha, dự kiến sản lượng 2.058 tấn.

Để tiêu thụ sản lượng nhãn, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương mại cho quả nhãn. Ngoài ra, các hộ trồng nhãn còn mạnh dạn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Vũ Anh Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, huyện Sông Mã chia sẻ, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong lai ghép cũng như chăm sóc theo hướng hữu cơ mà những năm gần đây năm vườn nhãn của các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Dũng luôn đạt năng suất và chất lượng tốt. Việc giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ bước đầu cũng đã được các thành viên sử dụng qua các nền tảng mạng xã hội. Việc nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn điện tử mới đầu hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng khi triển khai đã được các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nên việc tiêu thụ sản phẩm trở nên thuận lợi hơn.

Để đồng hành hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn và nông sản, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn. Cùng với tiêu thụ trong nước, nhãn Sơn La từng bước xây dựng chỗ đứng tại thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... và được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin, trong nhiều năm qua Bộ Công Thương luôn chủ động, cũng như phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Sơn La để triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của bà con Sơn La, đặc biệt chú trọng thị trường trong nước, đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.

Cùng với các giải pháp về tiêu thụ nhãn quả tươi, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ nhãn, nhất là chế biến sản phẩm long nhãn. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, sản lượng long nhãn năm 2022 ước đạt 6.000 tấn. Long nhãn được chế biến bằng phương pháp sấy nhiệt gián tiếp và có áp dụng hệ thống cảm biến nhiệt, điều chỉnh tự động nên vẫn giữ được màu, chất lượng đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu làm dược liệu. Hiện nay, long nhãn Sơn La vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Á.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/da-dang-thi-truong-tieu-thu-nhan-tuoi-a3888.html