VASEP: Nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng nhận đơn hàng đến tháng 10

Dự báo lần đầu tiên sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lần đầu tiên sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đạt kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản vượt mốc trên 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra và tôm chiếm 65% và sản phẩm hải sản khai thác từ biển chiếm 35% tổng xuất khẩu.

Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực nối lại thị trường của các doanh nghiệp thủy sản sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao giảm sức mua. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang bị giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.

VASEP: Nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng nhận đơn hàng đến tháng 10 - Ảnh 1.

Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Theo ông Nam hiện giá thức tăng chăn nuôi trung bình tăng khoảng 20% so với đầu năm. Trong khi giá thức ăn chiếm 65-70% giá thành phẩm. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cho sản xuất thủy sản như bao bì, hóa chất, vận chuyển, carton… đều tăng.

Do đó, VASEP đã kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ổn định giá thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Ở nhiều nước nhập khẩu, lạm phát tăng cao khiến người dân giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu vì thế tạm ngưng nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực hàng tồn kho, khó xoay sở dòng tiền để trả vay ngân hàng.

Theo nhận định của VASEP, sau khi tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm nay, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Theo đó, giá trị xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng 6.

Khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam 7 tháng đầu năm, chiếm 83,7% tổng giá trị xuất khẩu.

Lượng tồn kho tăng cùng với lạm phát đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ từ tháng 6, do vậy xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này đã giảm 8% trong tháng 6 và tiếp tục giảm 23% trong tháng 7. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu vẫn giữ được tăng trưởng 28% trong tháng 7. Luỹ kế 7 tháng đạt 829 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc sau 7 tháng đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vasep-nhieu-nha-nhap-khau-da-ngung-nhan-don-hang-den-thang-10-a3886.html