Tổng công ty Thủy sản Việt Nam ( Seaprodex; MCK SEA) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022.
Kết thúc quý II/2022, công ty thu về 265 tỷ đồng từ doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên vì giá vốn hàng bán trong quý giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận gộp của công ty vẫn ghi nhận mức tăng 25,8% so với quý II/2021, đạt 39 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 28,8% đạt 12 tỷ đồng so với cùng kỳ; đồng thời, công ty cũng ghi nhận khoản lãi thu về từ các công ty liên doanh, liên kết tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt hơn 45 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau quý II/2022 ở mức 67 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, Thủy sản Việt Nam thu về 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn so với quý II năm ngoái 22%.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, công ty thu về 557 tỷ đồng doanh thu và 124 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 25,6% và 24,68% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Năm 2022, công ty đặt ra mục tiêu kế hoạch 182 tỷ đồng doanh thu và 95 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, công ty đã vượt kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận cả năm được đề ra trước đó.
Tại ngày 30/6/2022, tổng cộng tài sản mà công ty sở hữu ở mức 2.556 tỷ đồng, giảm 29,5% so với đầu năm. Chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn giảm 56,6%, từ 2.013 tỷ đồng đầu kỳ xuống còn 873 tỷ đồng vào cuối kỳ.
Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty sụt giảm đáng kể trên 96,5% xuống còn 49 tỷ đồng vào cuối kỳ. Tương tự, các khoản tài sản ngắn hạn khác trong kỳ của công ty cũng giảm hơn 60% so với số đầu kỳ.
Trái lại, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp lại tăng mạnh, đạt 542 tỷ đồng, tăng 35,5% so với đầu năm, phần lớn đến từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Dư nợ phải trả của Công ty Thủy sản Việt Nam là 567 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu năm khoảng 3%, trong đó chủ yếu đến từ các khoản nợ ngắn hạn.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, công ty cho biết, hoạt động nuôi và kinh doanh cá nước lạnh còn nhiều tiềm năng để phát triển thương hiệu “cá Tầm Kla” và một số loại thủy sản khác. Tuy nhiên, công ty còn gặp nhiều khó khăn về nguồn con giống cá tầm; các hoạt động cạnh tranh do hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Chính vì vậy, trong năm 2022, công ty sẽ chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn nhằm đảm bảo kế hoạch được giao; xác định các nguồn cung cấp để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thả giống cá Tầm. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để khách hàng nhận diện tốt hơn về thương hiệu “cá Tầm Kla” của Seaprodex với các sản phẩm khác trên thị trường.
Về công tác quản lý tài chính, Seaprodex sẽ theo dõi chặt chẽ danh mục đầu tư tài chính; tăng cường giám sát hoạt động của các công ty con; giám sát, chỉ đạo Người đại diện của Tổng công ty thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ góp phần thực hiện những gì được Đại hội cổ đông giao. Phối hợp với các đơn vị để thực hiện việc chi trả cổ tức năm 2021, tạm ứng cổ tức 2022 kịp thời cho cổ đông.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/8, cổ phiếu SEA đang giao dịch ở mức 26,200 đồng/cổ phiếu, tăng 14,41% so với số tham chiếu.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/seaprodex-vuot-muc-tieu-loi-nhuan-chi-trong-6-thang-dau-nam-a3787.html