Xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với phương pháp mới so với các lần xếp hạng trước đây thực hiện. Thay vì dựa trên đánh giá về doanh thu, lao động hay tài sản, ở lần xếp hạng này kết hợp cả 3 tiêu chí trên nhằm đảm bảo tính khách quan và thống nhất với phương pháp xếp hạng doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp theo Nghị định 39/2018 - NĐ/CP của Chính phủ.
Bảng đánh giá VPE500 được công bố cũng nhằm hướng đến việc tìm ra những doanh nghiệp, ngành nghề có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trên cơ sở đó, các cơ quan thực hiện xếp hạng đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, tạo nền tảng liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng.
Theo TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, quy mô của VPE500 tăng nhanh hơn các nhóm doanh nghiệp khác, trong đó, tốc độ tăng tài sản khoảng 15,4%/năm, doanh thu tăng 11,7%/năm. Con số này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung tương đương là 5,6%/năm và 6,6%/năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp VPE500 có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực như: đất đai, cơ hội đầu tư, thị trường tài chính và cơ hội cung ứng hàng hoá, dịch vụ…; VPE500 có các chỉ số các chỉ số tài chính ngắn hạn như lợi nhuận/tài sản (ROA) hoặc lợi nhuận/vốn sở hữu (ROE) khá cao so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn lại.
Về ngành nghề, các doanh nghiệp ở lĩnh vực chế biến chế tạo chiếm trên 52% trong VPE500; sau đó là đến các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, xây dựng. Tỷ lệ biến động giữa các năm chủ yếu nằm trong nhóm dịch vụ. Cùng với đó, trong top 500 doanh nghiệp xếp hạng trong 5 năm (2016 – 2020), chỉ có 237 doanh nghiệp giữ vị trí ổn định suốt 5 năm trong hơn 800 doanh nghiệp vào/ra danh mục này.
Tăng năng suất lao động là yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Khẳng định sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhưng kết quả đánh giá VPE500 cũng chỉ ra những thách thức, nhất là thách thức về năng suất lao động. Ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng đại diện Konrad Adenauer - Stiftung (KAS) Việt Nam đánh giá năng suất lao động tại VPE500 chưa có sự vượt trội, tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng nguồn lực, quy mô, chưa đi vào chiều sâu,chưa có sự lan toả về năng suất lao động giữa các doanh nghiệp.
Cụ thể, năng suất lao động của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6% năm của doanh nghiệp tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Từ bảng xếp hạng, TS.Trần Toàn Thắng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách với doanh theo hướng tạo thuận lợi với doanh nghiệp tăng trưởng, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chất lượng lao động, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu, tạo sự cạnh tranh bền vững, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó là chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân lớn dựa trên những lợi thế của từng địa phương tạo tác động lan tỏa, dẫn dắt.