Đầu tháng 7/2022, trang báo Sức khỏe Phúc Kiến (Trung Quốc) đưa tin về trường hợp của cô Trương (tên đã được thay đổi), 28 tuổi, đột ngột bị điếc.
Là quản lý dự án của một công ty tư nhân, áp lực công việc lớn nên việc thức khuya làm thêm giờ với cô Trương là chuyện thường ngày. Ngoài ra cô Trương hiện có một đứa con trai 4 tuổi, rất hay đạp chăn khi ngủ vào ban đêm nên hay bị cảm lạnh. Vì vậy cô thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đắp chăn cho con trai.
Tình trạng này diễn ra một thời gian dài cho tới một ngày, cô Trương nhận ra gần đây mình thường xuyên cảm thấy cổ mỏi nhừ, trong tai luôn có tiếng ù ù, thường cảm thấy choáng váng.
Thấy sức khỏe giảm sút, cô Trương đã chủ động nghỉ ngơi vài ngày và cũng thấy đỡ. Nhưng không ngờ một buổi sáng sau khi tỉnh dậy cô thấy tai trái bị ù, nghe không rõ, kèm theo đó còn bị buồn nôn, toàn thân mồ hôi đầm đìa.
Lo lắng, cô nhanh chóng đến bệnh viện tỉnh Phúc Kiến để kiểm tra. Bác sĩ Lâm Tế Khang là người trực tiếp khám cho cô Trương. Sau khi tiếp nhận, kiểm tra thấy thính giác tần số thấp tai trái của cô Trương giảm xuống 50 decibel, kết hợp với tiền sử y tế của cô, các triệu chứng lâm sàng, cuối cùng bác sĩ kết luận bệnh nhân bị điếc đột ngột.
"Bệnh nhân thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đắp chăn cho con, cộng thêm việc tăng ca thường xuyên, dẫn đến sinh hoạt và nghỉ ngơi không điều độ. Bản thân mệt mỏi không chịu nổi, áp lực tinh thần quá lớn, đến nỗi bị điếc đột ngột", bác sĩ Lâm cho biết.
Được biết, hiện tại, sau thời gian điều trị, thính giác tai trái của cô Trương đang dần hồi phục.
Theo bác sĩ Lâm Tế Khang, điếc đột ngột được gọi là tình trạng tự nhiên mất đi thính lực mà không rõ nguyên nhân. Điếc đột ngột thường được biểu hiện bằng sự sụt giảm đột ngột thính giác một bên, một số người cũng có các biểu hiện như ù tai, tắc nghẽn tai, chóng mặt, buồn nôn, nôn và thậm chí một số triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ...
Mệt mỏi quá mức, căng thẳng tâm lý quá mức và kích thích tinh thần, ăn uống không đủ dưỡng chất, tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh tiểu đường và các bệnh cơ bản khác... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến điếc đột ngột.
Điếc đột ngột cần được điều trị càng sớm càng tốt, càng muộn hiệu quả càng kém. Bệnh khởi phát trong vòng 72 giờ là thời gian hoàng kim điều trị.
Người bệnh có triệu chứng điếc đột ngột, đầu tiên bác sĩ sẽ loại trừ mất thính lực do cản trở ở tai ngoài, ví dụ như dáy tai, nấm ống tai,... Đối với điếc đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng, có thể xác định được khi đo thính lực đơn âm (Pure Tone Audiometry). Dấu hiệu của điếc đột ngột là mất ít nhất 30 decibel (thước đo cường độ âm thanh) ở ba tần số liên tiếp. Tiếp đến, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm như chụp MRI để loại trừ khối u ác tính chèn ép dây thần kinh thính giác, chụp CT scan xương thái dương để loại trừ các bệnh tại ốc tai, trật khớp dẫn truyền xương trong tai giữa,…
Tại Việt Nam, phác đồ điều trị hiện nay cho bệnh điếc đột ngột không rõ nguyên nhân vẫn được Bộ Y tế khuyến cáo là phác đồ bao vây bao gồm: các thuốc corticosteroid, thuốc giãn mạch, tăng tuần hoàn, thuốc chống ù tai, chống dị ứng, bổ sung vitamin nhóm B và an thần.
Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là sử dụng thuốc corticosteroid. Trước đây, steroid được đưa ra ở dạng thuốc tiêm hoặc uống. Vào năm 2011, một thử nghiệm lâm sàng được hỗ trợ bởi Viện Quốc gia về điếc và các rối loạn giao tiếp khác (NIDCD) cho thấy tiêm intratympanic (tiêm xuyên nhĩ) có hiệu quả như steroid đường uống.
Steroid nên được sử dụng càng sớm càng tốt để có hiệu quả tốt nhất và thậm chí được khuyến cáo dùng sớm trước khi có kết quả của các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Nếu việc điều trị bị trì hoãn hơn hai tuần (trên 14 ngày) thì tình trạng điếc ít có khả năng cải thiện hoặc giảm, hoặc mất thính lực vĩnh viễn.
Các phương pháp điều trị bổ sung sẽ là cần thiết nếu bác sĩ tìm ra nguyên nhân dẫn đến điếc đột ngột. Ví dụ: Điếc đột ngột là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu người bệnh đã dùng thuốc gây độc cho tai thì được khuyên nên chuyển sang loại thuốc khác. Hoặc do virus quai bị, zona,… sẽ phải điều trị thuốc kháng virus,…
Nếu bị mất thính lực nghiêm trọng, không đáp ứng với điều trị và/hoặc xảy ra ở cả hai tai, bác sĩ có thể khuyên người bệnh sử dụng máy trợ thính (để khuếch đại âm thanh) hoặc thậm chí phải cấy ốc tai điện tử (để kích thích trực tiếp các kết nối thính giác trong tai lên não).
Các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa tình trạng điếc đột ngột, trong cuộc sống hàng ngày mọi người cần chú ý:
-Tập thể dục vừa phải, giảm căng thẳng, có thể cải thiện giấc ngủ;
-Không làm việc quá sức, để duy trì một tâm lý ổn định và bình tĩnh, càng nhiều càng tốt để tránh tức giận và vui mừng;
-Tránh ăn nhiều đường, nhiều muối, chất béo, bỏ hút thuốc và hạn chế rượu, ăn nhiều rau và trái cây tươi;
-Kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tích cực điều trị tăng huyết áp, mỡ máu cao và bệnh tiểu đường và các bệnh cơ bản khác.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân đã bị điếc đột ngột và bị bệnh ở tai, sau khi điều trị vẫn khó có thể hồi phục thính giác hoàn toàn như trước. BS Lâm Tế Khang chỉ ra rằng việc bảo vệ thính giác của tai bên khỏe mạnh vào thời điểm này đặc biệt quan trọng. Để bảo vệ bên tai khỏe mạnh, mọi người cần sử dụng tai nghe hợp lý; tránh tiếp xúc với tiếng ồn; tránh lạm dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến tai; tránh chấn thương tai và nhiễm trùng tai.
Minh Hoa (t/h theo Phụ nữ Việt Nam, Sức khỏe và Đời sống)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nguoi-phu-nu-bi-diec-dot-ngot-vi-thuc-day-nhieu-lan-vao-ban-dem-a358.html