Số ca COVID-19 tăng trở lại, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo cách phòng tái nhiễm

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tại nước ta đang tăng trở lại, nguyên nhân một phần vì miễn dịch cộng đồng hiện tại đã giảm.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày cả nước có hơn 2000 ca mắc COVID-19 mới. Đặc biệt, bệnh nhân nặng tăng lên. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến ngày 10/8, có 78 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 68 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở oxy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 5 ca thở máy xâm lấn, 1 ca tử vong tại tỉnh Tây Ninh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, và đang gia tăng trở lại ở nước ta và trên thế giới.

"Trung bình hơn 2000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, đây chưa phải là con số thực tế. Bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, đã có những bệnh nhân nặng, phải thở máy. Đấy là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại", PGS nhận định.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến số ca tăng trở lại, PGS Trần Đắc Phu cho biết các chủng mới của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh, đặc biệt là BA.4, BA.5.

Ngoài ra, thế giới đang nới lỏng việc đi lại. Một số người chủ quan, không đeo khẩu trang, khử khuẩn không gắt gao như trước, đây là yếu tố khiến số ca tăng lên.

"Đặc biệt, vấn đề hiện nay chúng ta cần quan tâm là miễn dịch cộng đồng đang giảm. Đặc thù của miễn dịch COVID-19 khác với các loại miễn dịch khác. Có những bệnh như sởi, miễn dịch suốt đời, chỉ một lần mắc sởi là không bao giờ mắc lại. Nhưng COVID-19 lại khác, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, khi miễn dịch giảm, sẽ có khả năng mắc tiếp. Miễn dịch của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng vậy, sẽ hết trong vòng vài tháng", PGS Phu nói.

Số ca COVID-19 tăng trở lại, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo cách phòng tái nhiễm - Ảnh 1.

Tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại. Ảnh minh họa.

Phòng tránh tái nhiễm

Để phòng tránh tái nhiễm COVID-19, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng COVID-19 vẫn lây theo đường hô hấp, theo giọt bắn, nguy cơ cao là môi trường kín, tiếp xúc gần và đám đông. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vắc xin các mũi nhắc lại.

Người dân cũng cần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch có hiệu quả, đúng theo Nghị quyết 128, nới lỏng nhưng không buông lỏng.

Theo chuyên gia, việc mở cửa du lịch là tốt, nhưng không được buông lỏng bất cứ khâu nào. Bộ Y tế phải đánh giá một cách rất nghiêm túc dịch bệnh, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng đáp ứng không tới thì không phòng chống được dịch nhưng đáp ứng thái quá thì lại gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân, chuyên gia nói.

"Nhà nước phải linh hoạt và mỗi người dân cũng phải linh hoạt, đeo khẩu trang, thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng cá nhân, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế", ông Phu nói.

Tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em còn chậm

Theo thống kê, Việt Nam đã tiêm khoảng 13 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều tỉnh, thành, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi thứ nhất cho trẻ thấp, ví dụ như Hà Nội (54,1%); Hà Tĩnh (48,4%); Đà Nẵng (38,8%); Quảng Nam (42,6%); Bình Thuận (54,1%); TPHCM (51,2%). Có hơn 4,6 triệu trẻ đã tiêm vắc xin mũi thứ hai, đạt 32,8%. Địa phương có tỷ lệ trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm mũi thứ hai thấp nhất là Hà Nội (20,9%); Vĩnh Phúc (24,8%); Đà Nẵng (16,4%); Quảng Nam (13,5%); Khánh Hòa (19,0%).


https://soha.vn/so-ca-covid-19-tang-tro-lai-pgs-tran-dac-phu-khuyen-cao-cach-phong-tai-nhiem-20220811143025807.htm

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/so-ca-covid-19-tang-tro-lai-pgs-tran-dac-phu-khuyen-cao-cach-phong-tai-nhiem-a3453.html