Khách quốc tế phục hồi chậm, doanh nghiệp loay hoay tháo "điểm nghẽn"

Mặc dù mở cửa du lịch quốc tế gần nửa năm song lượng khách quốc tế các doanh nghiệp du lịch đón trong 7 tháng mới chỉ đạt được 15% kế hoạch.

Sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 601,982 lượt khách quốc tế. Trong đó, thị phần cao nhất vẫn là thị trường khách Châu Á, đạt 392.124 lượt khách; thấp nhất là Châu Phi, đạt 2.414 lượt khách. Mặc dù tốc độ đón khách tăng trưởng 65% qua mỗi tháng, nhưng tính chung qua 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 15% kế hoạch, trong mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022.

Khách quốc tế phục hồi chậm, doanh nghiệp loay hoay tháo điểm nghẽn - Ảnh 1.

Du khách quốc tế đang thay đổi xu hướng du lịch, các doanh nghiệp inbound đang tìm cách đa dạng sản phẩm phù hợp với xu hướng mới. Ảnh Hân Ly

Xu hướng du lịch thay đổi, đa dạng sản phẩm tour

Hiện tại, nhiều đoàn khách inbound đang yêu cầu các tour du lịch hướng đến sức khỏe, thiên nhiên, du lịch bền vững,… bắt buộc doanh nghiệp nhanh chóng khảo sát thị trường và chuẩn bị các sản phẩm theo xu hướng mới.

Nắm bắt được xu hướng thay đổi của khách quốc tế, Ông Phạm Ngọc Hà, Phó giám đốc Công ty du lịch Saco Travel cho hay: Chúng tôi đang đẩy mạnh khai thác các điểm đến ở vùng ven như Cần Giờ, Tây Ninh… Đây là những điểm mới nổi được khách quốc tế lựa chọn, đồng thời chú trọng phát triển du lịch y tế, tạo ra nhiều sản phẩm mới thiên về du lịch sức khỏe.

"Khi khách quốc tế đến thăm khám có lối đi riêng, gói dịch vụ riêng, được tách biệt hoàn toàn so với nhóm khách địa phương, du khách được trải nghiệm dịch vụ tiện lợi và phục vụ rất chu đáo", ông Hà chia sẻ thêm.

Khách quốc tế phục hồi chậm, doanh nghiệp loay hoay tháo điểm nghẽn - Ảnh 2.

Đẩy mạnh truyền thông, tăng cường các công cụ quảng bá, marketing để thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh Hân Ly

Theo Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, điều kiện thuận tiện để đón khách quốc tế đến Việt Nam bùng nổ trở lại dự kiến sẽ rơi vào đầu năm 2023. Để nâng chất lượng phục vụ công ty đang xây dựng sản phẩm với 50 tuyến tour trên phạm vi cả nước từ khu vực miền Bắc, Trung, Nam và đặt biệt là tour du lịch TP Hồ Chí Minh. Những thị trường khách chủ lực ví dụ khách Châu Âu, Úc chúng tôi đang xúc tiến và hy vọng năm 2023 sẽ đón số lượng đoàn khách quốc tế lớn.

Theo đánh giá của Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, để đạt được kỳ vọng đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm đến khách nước ngoài là điều cần thiết. "Chúng tôi đẩy mạnh quảng bá thị trường có tiềm năng như Ấn Độ, những ngày qua lượng khách Ấn Độ đến với Quảng Ninh rất tốt. Sự cạnh tranh hiện nay rất mạnh mẽ giữa các nước, nếu làm tốt công tác truyền thông sức hút du lịch Quảng Ninh sẽ phục hồi rất tốt, đa phần khách quốc tế đến Quảng Ninh được đánh giá rất cao".

Nhu cầu khách quốc tế hiện nay có xu hướng mua tour trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông Mẫn, thông qua các công cụ quảng bá marketing cũng như các kênh ngoại giao, xúc tiến thương mại chúng tôi đã có những kênh tương tác với khách quốc tế.

Cùng quan điểm, theo ông Hà công ty đẩy mạnh tiếp cận với nền tảng du lịch online và các sàn cung cấp du lịch trực tuyến để thu hút khách nhiều hơn.

Còn vướng mắc thủ tục visa

Theo ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Indochina Quảng Ninh, thị trường inbound đang phục hồi chậm, phần lớn là do nhiều du khách còn vướng mắc thủ tục xin visa nên phải điều chỉnh kế hoạch hoặc đổi chuyến sang các quốc gia khác.

Khách quốc tế phục hồi chậm, doanh nghiệp loay hoay tháo điểm nghẽn - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục visa, tạo điều kiện đón khách quốc tế...

Chia sẻ nhận định này, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Event cho hay: "Mùa hè này xem như không thể cứu vãn, nhưng mùa thu đông vẫn có cơ hội nếu thay đổi chính sách visa từ miễn 15 ngày lên 30 ngày. Hoạt động thu phí cần đơn giản hóa với quy trình cấp visa đoàn, visa lẻ… để đáp ứng xu hướng tham quan kết hợp Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái... của du khách".

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, vấn đề visa là nội dung đã được ghi trong luật du lịch. Hiện tại Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan xem xét phối hợp với Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến việc mở rộng thêm visa đối với khách du lịch cũng như đối tượng miễn giảm visa và áp dụng visa điện tử.

Để phục hồi toàn diện ngành du lịch toàn ngành cần có những giải pháp kịp thời thúc đẩy thị trường inbound đạt như kỳ vọng. Ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá…

"Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên…, tạo sức mạnh tổng lực cho toàn ngành, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt với khu vực và quốc tế. Đây là "chìa khóa vàng" để thu hút khách quốc tế", ông Khánh nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến, hiện thực bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của dòng khách ngoại.

Để thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm, các chuyên gia du lịch, đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe,… Về phía địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có tư duy mới, hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó cần hài hòa giữa các yếu tố "Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa và kết nối".

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/khach-quoc-te-phuc-hoi-cham-doanh-nghiep-loay-hoay-thao-diem-nghen-a3429.html