Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.
Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít).
Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 170 lít bia/người mỗi năm.
Tuy nhiên kể từ năm 2020, do chịu tác động kép từ Luật phòng chống tác hại của rượu bia và dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu tiêu thụ bia đã bị ảnh hưởng tiêu cực với sản lượng tiêu thụ 3 quý đầu năm giảm lần lượt 3,6%; 22,9% và 11,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Phải đến tận quý IV/2021, thị trường kinh doanh bia mới xuất hiện một số dấu hiệu khởi sắc trở lại nhờ việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và hoạt động tiêu dùng trong nước dần hồi phục.
Đến năm 2022, với sự nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, độ phủ rộng của vắc-xin, ngành dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, đây cũng là thời điểm vàng giúp hàng loạt doanh nghiệp bật tăng trở lại sau 2 năm kinh doanh ảm đạm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng bia Việt Nam sản xuất lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,6 tỷ lít, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 - trước khi dịch bệnh bùng phát và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Riêng tháng 6/2022, mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước lên đến 26,4%.
Với sự hồi phục rõ rệt trên, hàng loạt doanh nghiệp ngành bia đã công bố kết quả kinh doanh khả quan cho nửa đầu năm tài chính 2022. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã báo lãi tăng vọt vượt cả giai đoạn trước khi bùng phát dịch Covid-19.
Ông lớn ngành bia thu trăm tỷ mỗi ngày
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB) ghi nhận trong BCTC quý II/2022 có doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ lên 9.000 tỷ đồng, tương đương doanh số bình quân mỗi ngày trong giai đoạn này lên đến 101 tỷ đồng và lợi nhuận cũng xấp xỉ ở mức 20 tỷ đồng/ngày.
Doanh thu từ bán bia đóng góp hơn 88% vào tổng doanh thu khi ghi nhận 14.481 tỷ đồng; phần còn lại đến từ hoạt động kinh doanh nguyên vật liệu (1.747 tỷ đồng), nước giải khát (99,6 tỷ đồng), rượu và cồn (25,4 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế của Sabeco trong quý II/2022 đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng đến 67% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả trên còn giúp công ty bia của tỷ phú người Thái có quý báo lãi cao nhất trong lịch sử, lợi nhuận quý này đã đánh dấu mốc tăng trưởng vượt mức trước đại dịch và đạt đỉnh trong 4 năm trở lại đây của Sabeco.
Tổng tài sản của đại gia ngành bia tính đến cuối tháng 6/2022 tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 31.300 tỷ đồng, Công ty còn hơn 15.400 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối cho cổ đông.
Nhiều công ty bia thành viên của Sabeco trong quý II/2022 cũng báo lãi tăng mạnh. Có thể kể đến như Bia Sài Gòn - Miền Trung (MCK: SMB) báo lợi nhuận nửa đầu năm tăng 40% lên 109 tỷ đồng, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (MCK: BSQ) báo lãi 77 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ, Bia Sài Gòn - Hà Nội (MCK: BSH) báo lãi 24 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ,...
Nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ giá bán sản phẩm, tiêu thụ tăng (bù đắp chi phí nguyên liệu tăng và tiết kiệm trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh).
Trên thị trường, một ông lớn trong ngành bia là Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (MCK: BHN) cũng ghi nhận 6 tháng kinh doanh với nhiều điểm sáng.
Cụ thể, BCTC của Habeco cho thấy, trong quý II/2022, doanh thu thuần hợp nhất của Tổng công ty đạt 2.160,65 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp tăng lên 28,96%, lợi nhuận gộp thu về 618 tỷ đồng, tăng 20,8% về giá trị, gấp đôi mức tăng trưởng doanh thu. Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Habeco thu về 204,6 tỷ đồng lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Habeco ghi nhận 3.489 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận sau thuế đạt 239,18 tỷ đồng, tăng 5,4% về doanh thu và 16,1% về lợi nhuận so với nửa đầu năm 2021.
Năm 2022, Habeco đặt mục tiêu đạt 6.605 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 13% và 32% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 57,5% chỉ tiêu doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ sau 6 tháng hoạt động.
Lý do chung dẫn đến tăng trưởng mà loạt doanh nghiệp kinh doanh dòng sản phẩm đồ uống có cồn đưa ra đều là nhờ không còn giãn cách xã hội như cùng kỳ, cùng với đó là việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tiết giảm chi phí, thực hiện nhiều chính sách bán hàng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm mùa hè giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Triển vọng ngành bia là rất lớn
Sự mở cửa cho hoạt động du lịch và giải trí sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội khiến khách hàng có tâm lý mua sắm và giải trí nhiều hơn để bù lại quãng thời gian bị hạn chế bởi dịch bệnh.
Số liệu thống kê lưu lượng du khách đi lại trong thời gian qua cho thấy mức tăng rất cao, thậm chí vượt qua mức cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch bệnh xuất hiện đã phần nào phản ảnh điều này.
Đây là bối cảnh thuận lợi cho ngành bia, theo thống kê trong tháng 7 vừa qua, sản lượng tiêu thụ bia tăng trưởng đến 65,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nửa cuối năm 2022, triển vọng duy trì tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia vẫn được đánh giá khả quan, đặc biệt tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ ở mức cao trong quý III/2022.
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng hoạt động du lịch và giải trí mở cửa sau quãng thời gian dài giãn cách xã hội từ đầu năm nay đã và đang đem lại sự hồi phục và tăng trưởng tích cực cho ngành bia Việt Nam.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá trong nửa cuối năm, ngành F&B là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và bình thường hóa từ năm 2023.
Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Một báo cáo khác của SSI Research cũng cho rằng nhu cầu dần hồi phục từ việc mở cửa trở lại các cửa hàng tiêu thụ trực tiếp sẽ giúp Sabeco tăng trưởng mạnh nhất vào nửa cuối năm 2022 (từ mức so sánh thấp trong quý II/2021). Ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt mức 18,5% trong năm 2022.
Ngoài ra, mặc dù áp lực chi phí tăng, song Sabeco vẫn có khả năng tăng biên lợi nhuận trong trung hạn nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. Đặc biệt, định giá cổ phiếu giảm gần đây có thể là điểm mua vào hấp dẫn cùng câu chuyện thoái vốn Nhà nước 36% cổ phần có thể là yếu tố hỗ trợ cho thị giá cổ phiếu.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nganh-dich-vu-khoi-sac-doanh-nghiep-bia-huong-loi-a3256.html