Hồi 16h ngày 9/8, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 320km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối mai (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Tại Nghệ An, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã có Công điện số 05/CĐ-BCH về việc ứng phó với bão số 2. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung sau:
Đối với tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ phía Bắc vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 114,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;
Đối với vùng đồng bằng và ven biển: Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân trên các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực thấp trũng, khu đô thị và khu công nghiệp.
Đối với vùng núi: Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Tại Hà Tĩnh: Sáng nay (9/8), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại huyện Lộc Hà.
Theo đó, kiểm tra công tác kêu gọi, chằng néo tàu thuyền tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót (xã Thạch Kim). Hiện có 225 tàu thuyền đang neo đậu, trong đó có 35 tàu ngoại tỉnh.
Cùng với kêu gọi, hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân tránh trú, neo đậu tàu thuyền thì các vấn đề khác liên quan đến công tác PCTT như: thông tin tuyên truyền, ngăn chặn tàu thuyền xuất nhập lạch, sẵn sàng “4 tại chỗ”..., đều đã được chuẩn bị chu đáo để kịp thời tham gia PCTT&TKCN và các nhiệm vụ đột xuất khác khi xảy ra sự cố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng yêu cầu: Các đơn vị, địa phương, trong đó có huyện Lộc Hà, cần làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, tuyệt đối không chủ quan và không để bị động, bất ngờ. Ngoài việc kiểm đếm, đảm bảo an toàn cho những tàu thuyền đã vào neo đậu thì cần phải ngăn chặn, không cho tàu thuyền ngư dân xuất lạch ra khơi trong những ngày thời tiết xấu, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Tại Quảng Bình, sáng cùng ngày, ông Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho tàu thuyền vào trú tránh tại Khu neo đậu Cửa Gianh (Bố Trạch).
Qua kiểm tra thực tế, ông Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo, thời tiết hiện đang diễn biến phức tạp, vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác ứng phó; chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng, các đơn vị liên quan cần chủ động sắp xếp, bố trí tàu thuyền về neo đậu, tránh trú an toàn khi có tình huống mưa bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.
Đặc biệt, trong quá trình tàu thuyền vào trú tránh, cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy; các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chú ý tuyên truyền để ngư dân thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy và neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.
Theo Báo cáo nhanh số 274 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng, đến 7h ngày 9/8, lực lượng biên phòng đã hướng dẫn cho 52.108 tàu với 229.262 người chủ động di chuyển phòng tránh áp thấp nhiệt đới, trong đó: hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa): 298 tàu với 2.137 người; hoạt động tại khu vực khác: 7.927 tàu với 38.979 người; neo đậu tại các bến: 43.883 tàu với 188.146 người.
Hiện còn 18 tàu với 113 người ở vùng nguy hiểm (Đà Nẵng 17 tàu, 105 người; Bình Định 1 tàu, 8 người).
Mưa gió xảy ra từ ngày 8/8 đến hôm nay 9/8 đã làm 1 người thiệt mạng do lũ cuốn tại Nghệ An; 34 nhà bị tốc mái, hư hỏng do mưa lớn kèm dông, lốc (An Giang: 5, Vĩnh Long: 23, Trà Vinh: 6).
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-dien-bien-phuc-tap-cua-bao-so-2-a3148.html