Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đến cấp cơ sở để quán triệt, triển khai Đề án quan trọng này.
Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.
"Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được", Thủ tướng nhấn mạnh. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai…
Chuyển đổi số trong dịch vụ công
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 16 cuộc họp chỉ đạo các nội dung của Đề án; ban hành 01 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Thông báo liên quan; 04 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung chỉ đạo về Đề án. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06; ngoài ra, riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành công an.
Trong đó, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1%-tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân); hay việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...
Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; đồng thời, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn... Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, hình thành hệ sinh thái công dân số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế. Về thể chế, còn một số văn bản pháp luật cần sớm được ban hành gồm nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định về định danh và xác thực điện tử, thông tư kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với CSDL chuyên ngành.
Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%). Còn 04/25 dịch vụ công trực tuyến đề ra nhưng chưa thực hiện được; tiến độ thực hiện số hóa và điện tử hóa quy trình để cắt giảm bớt các giấy tờ còn chậm, người dân vẫn phải kê khai nhiều lần.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành mới chỉ là bước đầu, chia sẻ dữ liệu chưa nhiều.
Thách thức phía trước không ít, thậm chí có cả lực cản
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, nhiều nhiệm vụ đầu tư cần xem xét, quyết định sớm; khó khăn, thách thức phía trước còn không ít, thậm chí có cả "lực cản".
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả Đề án 06 rất quan trọng này, với một số quan điểm, định hướng chỉ đạo lớn
Theo đó, phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài, để tránh lãng phí nguồn lực. Thủ tướng đặt câu hỏi: Đến đầu năm 2026, CSDLQG về dân cư có thể làm nền tảng để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND?
Phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng ta phải phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng nó, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao; không chỉ phục vụ phát triển Chính phủ số mà còn nền kinh tế số, xã hội số, công dân số văn minh, hiện đại ngang tầm quốc tế, khu vực.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực.
Khẩu hiệu: "Đúng, đủ, sạch, sống" dành cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, song Thủ tướng đề nghị các các cư quan nghiên cứu thêm trên quan điểm "thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân".
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt với quan điểm "chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được", do đó, các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp cũng phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt Đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Tập trung chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định từ nay đến hết năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022. Những dịch vụ công nào nâng được lên mức độ 4 thì chúng ta phải thực hiện ngay, những dịch vụ nào chưa hoàn thành thì tập trung thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến; trước hết, quán triệt và vận động đến từng đảng viên, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang tại địa phương thực hiện và vận động người thân, gia đình hưởng ứng thực hiện, "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".
Về ứng dụng CSDLQG về dân cư, thẻ căn cước gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: Thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện. "Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được".
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/phai-lam-viec-nao-dut-diem-viec-do-khong-the-chung-chung-duoc-a3087.html