Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng - Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện nhiều chính sách để giảm bớt khó khăn cho các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Năm 1946, nước ta vừa giành được độc lập đã phải đứng trước muôn nghìn khó khăn: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để tránh cuộc chiến tranh với thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thủ đô Paris thương lượng. 

Hơn 40 năm sau, vào năm 1993, Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam đã nói: "Tôi nhớ đến ông Hồ Chí Minh đã sang Pháp năm 1946 để tìm một người đối thoại nhưng không thấy. Ông ấy muốn đàm phán để tránh chiến tranh" (1).

Khi mọi khả năng hòa bình không còn nữa, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí tự vệ. Trong lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến", Người đã viết: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng có con trai hy sinh, Người viết: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột" (2).

Với đạo lý "Ăn quả nhớ người trồng cây"", từ năm 1946, tại Hà Nội đã tổ chức "Hội giúp binh sĩ bị thương", Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự, Người đã đến nói chuyện tại Nhà hát lớn Hà Nội. 

Mùa đông năm ấy, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã tổ chức cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ". Khi đến dự lễ, Người đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào khắp hai miền Nam Bắc đã góp hàng vạn bộ quần áo cho các chiến sĩ, trong hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo, chưa đủ trang bị, áo ấm cho chiến sĩ.

Tháng 6 năm 1947, tại Đại Từ (Thái Nguyên), cơ quan của Chính phủ cùng với các Đoàn thể chính trị ở Trung ương đã họp và quyết định lấy ngày 27-7 là ngày "Thương binh toàn quốc". Sau đổi thành "Ngày thương binh liệt sĩ". 

Tại cuộc mít tinh chiều 27-7-1947, Ban tổ chức đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, Tổ Quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy" (3).

Cùng với bức thư, Bác Hồ đã gửi tặng một áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của Người và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch. Từ ấy cho đến năm 1954, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27-7, Người lại gửi thư và một tháng lương của mình tặng thương binh.

Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, không chỉ là tình cảm của lãnh đạo đối với các chiến sĩ của mình mà còn là tình yêu thương của người cha đối với các con, người anh đối với các em. Trong một bài đăng trên báo Cứu quốc ngày 7-11-1916, Người viết: "Tôi gửi lời chào thân ái các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Đối với người già, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích thành lập "Hội mẹ chiến sĩ", đối với thiếu niên thì hướng dẫn thành lập các "Đội Trần Quốc Toản", để hằng ngày giúp các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. 

Đối với chính quyền các địa phương, Người yêu cầu: "Đón thương binh về làng", "giúp lâu dài chứ không chỉ giúp một thời gian". 

Người hướng dẫn kế hoạch: "Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phá vỡ một số đất mới để giúp thương binh. Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi sẽ để nuôi thương binh" (4).

Từ rất sớm, Người đã tổ chức cho Chính phủ ban hành chế độ "Hưu bổng thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ". 

Khi nghiên cứu các chính sách cũng như khi động viên nhân dân thực hiện các chính sách của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắn nhủ: "Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân, gẫy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là một sự hy sinh tuyệt đối" (5), do đó mà nhân dân càng biết ơn và yêu mến bộ đội, càng phải có chính sách đúng và tấm lòng thương yêu đối với thương binh và gia đình liệt sĩ.

Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên thương binh và gia đình liệt sĩ, Người viết: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,..), Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

"Đối với các liệt sĩ thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta".

"Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét" (6).

Nhiều hoạt động tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, Đảng - Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện nhiều chính sách để giảm bớt khó khăn cho các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. 

Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho hơn 5 vạn bà mẹ, trong đó có 5 mẹ được cả 2 danh hiệu vừa là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Để đền đáp công ơn của các liệt sĩ, toàn quốc đã xây dựng được hàng vạn nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ và tạc bia kỷ niệm hơn 1 triệu chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, đã làm hàng vạn ngôi "nhà tình nghĩa" để tặng cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Đã có hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đoàn thể và nhân dân phụng dưỡng suốt đời.

Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương làm tốt công tác chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công không chỉ trong phạm vi Hà Nội, mà còn góp phần giúp các địa phương khác trong toàn quốc.

(1) Theo TTX Việt nam, tài liệu tham khảo đặc biệt 12/3/1993

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, tr.264

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, tr.394

(4) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, 1960, tập II, tr.10

(5) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, 1960, tập II, tr.10

(6) Vũ kỳ. Bác Hồ viết di chúc. Nxb Sự thật – Kim Đồng. 19999. Tr131 - 140

https://soha.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-thuong-binh-benh-binh-va-gia-dinh-liet-si-20220726095943199.htm

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chu-tich-ho-chi-minh-voi-thuong-binh-benh-binh-va-gia-dinh-liet-si-a3032.html