Bình Dương: Ghi nhận ca nhiễm Covid-19 biến chủng BA.4, BA.5

Ca nhiễm đầu tiên chủng Omicron BA.4 xuất hiện tại Tp.Dĩ An và thêm 1 ca BA.5 ở phường Hoà Lợi, thị xã Bến Cát.

Ngày 8/8, tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Covid-19, Omicron BA.4 đầu tiên tại tỉnh này, bệnh nhân có địa chỉ ở Tp.Dĩ An sinh năm 2013. Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra qua trình dịch tễ, nguồn tiếp xúc của bệnh nhân này để có phương án phòng chống dịch.

Cũng trong ngày, Sở Y tế Bình Dương ghi nhận thêm 1 ca nhiễm BA.5 của Omicron, nâng tổng số ca mắc cùng chủng loại lên 3 trường hợp.

Ca mắc biến thể phụ BA.5 của Omicron được xác định là nam giới, SN 1978, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân đã tiêm đủ 4 liều vắc xin phòng Covid-19, từng nhiễm Covid và đã khỏi bệnh.

Trước đó, tại Bình Dương có 2 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron BA.5. Hai ca mắc ở huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát đều được phát hiện qua giám sát cộng đồng.

Sự kiện - Bình Dương: Ghi nhận ca nhiễm Covid-19 biến chủng BA.4, BA.5

Tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Hiện, ngành y tế Bình Dương đang tập trung điều tra, truy vết tìm nguồn lây và người tiếp xúc gần để dập dịch kịp thời. Ngành y tế tỉnh Bình Dương dự báo, các ca mắc biến thể mới BA.5 có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.

Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian khoảng 4- 6 tháng sau khi tiêm.

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đối với các biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây.

Do đó, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vắc-xin các mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca chuyển nặng và ca tử vong.

Đặc điểm về biến thể phụ BA.4

Biến thể phụ BA.4 lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 1/2022 tại Nam Phi. Biến thể phụ này có một số đột biến như L452R, F486V được cho là làm cho virus dễ lây lan hơn bằng cách tăng cường khả năng của virus để gắn vào tế bào người.

Nghiên cứu bước đầu tại Ấn Độ cho thấy, đối với những người đã tiêm chủng đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 thì có khả năng chống lại biến thể phụ BA.4 và giảm khả năng chuyển nặng so với những người không tiêm vắc-xin phòng Covid-19  khi nhiễm biến thể phụ này.

Biến thể phụ BA.4 và BA.5 có chia sẻ nhiều đột biến giống với biến thể Omicron ban đầu, nhưng có nhiều điểm chung hơn so với biến thể phụ BA.2.

Do vậy, 2 biến thể phụ thường được đề cập cùng nhau bởi vì các đột biến trong gen protein đột biến của chúng giống hệt nhau, mặc dù chúng khác với các đột biến được tìm thấy ở những nơi khác.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm các mũi nhắc lại rất cần thiết, bởi vì các mũi tiêm cơ bản sẽ bị suy giảm hiệu quả trong vòng 6 tháng và khi biến thể mới xuất hiện.

Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc hoặc tình trạng bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới có thể liên tục xuất hiện trong tương lai.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/binh-duong-ghi-nhan-ca-nhiem-covid-19-bien-chung-ba4-ba5-a2993.html