Bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp, Việt Nam có nguy cơ bị xâm nhập rất lớn

Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ, tuy nhiên các chuyên gia nhận định nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác trên thế giới. Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, vì vậy, bên cạnh việc giám sát dịch bệnh từ cửa khẩu, các cơ sở y tế trên cả nước cần chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh sớm.

Bệnh đậu mùa khỉ thời gian qua diễn biến phức tạp ở nhiều nước, theo đó để chủ động phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh...

“Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.

Sự kiện - Bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp, Việt Nam có nguy cơ bị xâm nhập rất lớn

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Báo Lao Động.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Vì vậy, việc chủ động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế là hết sức cần thiết.

"Trước hết, cần phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ để cách ly, điều trị kịp thời. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện. Hầu hết các ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh. Để phát hiện sớm ca bệnh, cần phải nắm vững các triệu chứng lâm sàng, để gợi ý sau chẩn đoán và có xét nghiệm phù hợp. Thứ 2 là chủ động ứng phó, tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn phương tiện cần thiết, thuốc men, nơi cách ly, vật tư... Thứ 3 là phòng lây nhiễm, bảo vệ nhân viên y tế khỏi lây nhiễm đậu mùa khỉ", ông Nguyễn Trọng Khoa nói.

Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Bộ Y tế ban hành sớm hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh để khoanh vùng những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.

Bộ Y tế cũng đã sớm phân tuyến điều trị, tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên. Cụ thể, tại y tế xã, phường; quận, huyện tiếp nhận điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường. Còn tuyến tỉnh, trung ương điều trị các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng, gồm: Trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai; ca bệnh có biến chứng nặng.

Đặc biệt khi phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị, đó là: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Cuộc chạy đua giành vắc- xin

Theo thống kê của Reuters đến ngày 5/8 cho thấy ít nhất 87 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài châu Phi đã ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ, với tổng cộng hơn 26.000 ca. Trong số này, ít nhất 3 ca tử vong, lần lượt ở Tây Ban Nha, Brazil và Ấn Độ. Tờ The Times of India cho hay, đến nay Ấn Độ đã có 4 phụ nữ mắc bệnh, cho thấy căn bệnh không chỉ dừng lại ở những trường hợp đồng tính nam. Mới nhất, Thái Lan hôm qua xác nhận ca đậu mùa khỉ thứ tư ở nước này, và cũng là ca đầu tiên được ghi nhận ở nữ giới, theo PBS Thai.

Số liệu của WHO cũng phản ánh cuộc giành giật vắc-xin Jynneos đang diễn ra, với 35 quốc gia và vùng lãnh thổ chạy đua để mua 16,4 triệu liều có sẵn, theo tờ The Guardian. Và một lần nữa, các nước thu nhập thấp đối mặt nguy cơ không tiếp cận được vắc xin. Bà Meg Doherty, Giám đốc các chương trình ứng phó HIV, bệnh viêm gan và bệnh lây lan qua đường tình dục của WHO, cảnh báo nhiều khả năng vắc-xin Jynneos sẽ thuộc về các nước thu nhập cao. “Chúng ta không thể chỉ cung cấp vắc-xin ứng phó dịch bệnh tại Anh, Canada và Mỹ. Chúng ta cần vắc-xin đối phó dịch ở châu Phi như CHDC Congo và Nigeria, nơi số ca bệnh đang tăng”, bà Doherty nói.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế Medlaec: Trái ngược với bệnh dịch Covid-19 đã hoành hành toàn cầu, đậu mùa khỉ đã từng xuất hiện và không phải là một loại virus xa lạ. Vào năm 1958, các nhà khoa học đã phát hiện được chủng bệnh của đậu mùa khỉ lần đầu tiên. Xác định ban đầu được cho là virus bắt gặp trên những con khỉ bị nhốt dùng để nghiên cứu tại Đan Mạch.

Trường hợp xác nhận nhiễm phải virus đậu mùa khỉ đầu tiên trên thế giới là vào năm 1970 tại vườn quốc gia thuộc Zaire, nay được gọi là Cộng hòa dân chủ Congo. Dịch bệnh đậu mùa khỉ có cùng họ với virus đậu mùa, tuy nhiên dấu hiệu đậu mùa khỉ sẽ nhẹ hơn.

Sự kiện - Bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp, Việt Nam có nguy cơ bị xâm nhập rất lớn (Hình 2).

Biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ qua da.

Đậu mùa khỉ liệu có nguy hiểm hay không?

Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ bắt đầu từ 6 - 13 ngày hoặc rơi vào khoảng 5 - 21 ngày kể từ khi nghi nhiễm mắc phải bệnh.

Giai đoạn đầu tiên của bệnh từ 1 - 5 ngày đầu, dấu hiệu đậu mùa khỉ thường thấy sẽ là đau đầu, sốt, đau cơ, đau lưng nhất là sưng hạch.

Giai đoạn thứ hai kéo dài từ 1 - 3 ngày sau khi cơn sốt suy giảm. Lúc này, những phát ban bắt đầu xuất hiện. Cụ thể nốt ban có thể kéo dài theo trình tự trong khoảng 2 - 4 ngày.

Đáng chú ý ở đây, có những bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện lâm sàng không quá điển hình khi mắc phải dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bởi vì xét theo góc độ y khoa, những dấu hiệu đậu mùa khỉ không khác gì những triệu chứng bệnh lý bình thường khác. Tuy nhiên, phát ban vẫn được coi là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh.

Về mức độ đánh giá, tính nguy hiểm của đậu mùa khỉ, chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực phía Tây của Thái Bình Dương. Do đó, nguy cơ xâm nhập của bệnh có thể từ thấp đến trung bình. Việc đánh giá chi tiết sự nguy hại của bệnh dựa trên 3 tiêu chí: Một là xét về tính trầm trọng của dịch đậu mùa khỉ, hai là yếu tố xâm nhập của bệnh dịch, cuối cùng là sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực lãnh thổ.

Trong đó, trẻ em và người có hệ miễn dịch kém khi có những dấu hiệu đậu mùa khỉ có thể gặp phải trường hợp nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ ít gây tử vong vì chỉ phát hiện được 10% số người nhiễm bệnh tại Trung Phi tử vong và chưa có trường hợp nào bên ngoài Châu Phi được xác nhận tính đến thời điểm hiện tại.

Cách giảm thiểu tình hình của dịch bệnh đậu mùa khỉ đang được áp dụng chủ yếu là dùng biện pháp cách ly và vệ sinh nơi ở, nhà cửa sạch sẽ. Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đã nghiên cứu, nhận định rằng, người xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ sẽ giảm nhẹ triệu chứng trong vòng từ 2 - 4 tuần, cơ thể dần bắt đầu tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không may bị nhiễm bệnh thì cần thăm khám và dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả trị bệnh.

Ngoài ra, dịch bệnh đậu mùa khỉ không phải là một biến chủng mới nên đã có một số loại vắc-xin đã được đưa vào để đăng ký. Nhằm mục đích để phục vụ cho quá trình tiêm chủng cần được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo khi dùng vắc-xin để tiêm đại trà cho mọi người dân. Nhưng với một số đối tượng có thể được tiến hành tiêm vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất như sau:

+ Đối tượng đã tiếp xúc với người bị nhiễm dịch đậu mùa khỉ.

+ Những người có nhiệm vụ hỗ trợ cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ, việc tiêm phòng để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh sang họ, gồm có nhân viên y tế, người làm việc tại các phòng xét nghiệm.

Lưu ý: Tiêm chủng phòng đậu mùa khỉ có điểm khác với Covid-19, đó là ngoài tiêm phòng trước thì vắc-xin cũng có thể được tiêm cho người bệnh ngay sau khi tiếp xúc với virus vì thời gian ủ bệnh khá dài. Cũng theo CDC Hoa Kỳ, vắc-xin đậu mùa khỉ cần được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ bắt đầu có dấu hiệu đậu mùa khỉ để đối phó tốt nhất với sự tiến triển của bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

Trúc Chi (t/h theo Lao Động, VTV, Vietnamnet)

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/benh-dau-mua-khi-la-truong-hop-khan-cap-viet-nam-co-nguy-co-bi-xam-nhap-rat-lon-a2934.html