Doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận chính sách đổi mới sáng tạo

Việc phát huy khả năng ĐMST của nước ta đã có những thành công nhất định, song doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay trước chính sách hỗ trợ.

Ngày 15/7, Tổ chức UQ Ventures hợp tác với Trung tâm Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm), Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Học viện) đồng tổ chức Chuỗi workshops và Hội thảo về khả năng phát triển và thiết lập kế hoạch kinh doanh cho mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo (Innovation Center) tại Việt Nam.

Doanh nghiệp chưa thể tiếp cận

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từng là Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc hình thành và phát triển trung tâm ĐMST ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Xu hướng thị trường - Doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận chính sách đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu taị Hội thảo

Về hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam hiện nay gồm 8 nhóm liên quan chính: Cơ quan Chính phủ, các Bộ ban ngành, cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan viện nghiên cứu, đại học, phòng thí nghiệm,… Nhóm các nhà đầu tư, nhóm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhóm tổ chức hỗ trợ,…

Công tác phát huy khả năng ĐMST của nước ta đã có những dấu mốc thành công nhất định, cho thấy sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, lại chưa thực sự chạm tới điều những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang quan tâm. Theo ông, cụ thể có những  vấn đề chính mà doanh nghiệp đang gặp phải, như sau.

Thứ nhất, về khung pháp lý. Việt Nam có khá nhiều văn bản pháp lý hỗ trợ cho ĐMST nhưng chưa thực sự rõ ràng, nên rất khó để triển khai. 

Thứ hai, liên quan đến nhân sự và nhân lực. Ông đánh giá, giáo dục và đào tạo tại trường đại học còn rất cơ bản, nhiều lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực chiến cho sinh viên.

Thứ ba, về chính sách hỗ trợ. Theo đó, nhiều cơ quan, Bộ, ban ngành đưa ra những chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đưa ra câu hỏi không biết là tìm được sự hỗ trợ và tìm những vốn đầu tư từ đâu. 

Lý giải vấn đề này, ông cho rằng, có vấn đề về cách cung cấp và tiếp cận vấn đề này, khiến doanh nghiệp khó cảm thấy gần gũi với chính sách.

Thứ tư, về đầu tư mạo hiểm. Đây là điều quan trọng trong công cuộc ĐMST, bởi gắn liền với cộng đồng khởi nghiệp. Nhưng hiện tại, vẫn rất khó cho các doanh nghiệp SMEs tiếp cận với các nguồn quỹ.

Đó là đối với doanh nghiệp, còn các Trung tâm ĐMST hiện nay cũng có những vấn đề riêng. Với các Trung tâm ĐMST công lập, còn gặp các câu hỏi về mô hình tự chủ của tổ chức sự nghiệp, các yêu cầu liên quan đến quản lý đầu tư, quản lý tài sản, chỉa sẻ và sử dụng tài sản công và các hành lang pháp lý để vận hành.

Với các Trung tâm ĐMST tư nhân phải đối mặt với các thách thức về phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng... Do vậy, phải thừa nhận để phát triển và vận hành được một Trung tâm Đổi mới sáng tạo thành công, phát triển bền vững là thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Cải thiện từng bước

Chia sẻ về những vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải, ông Ed Morrison, Giám đốc Tổ chức Agile Strategy Lab, Đại học bang North Alabama, Úc cho biết, để giải quyết những vấn đề trên, trước hết chính doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần hoàn thiện chính mình, sau đó mới là cùng nhau xây dựng nên những trung tâm ĐMST chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn. 

Xu hướng thị trường - Doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận chính sách đổi mới sáng tạo (Hình 2).

 Trước khi cùng nhau đóng góp cho sựu phát triển của Trung tâm ĐMST, chính doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần tự hoàn thiện bản thân và ý tưởng của mình

Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung triển khai ý tưởng ĐMST, đồng thời vạch rõ những rủi ro có thể gặp phải trong mỗi ý tưởng. Do đó, việc củng cố lòng tin của mình đối với các bên liên quan trong mỗi dự án là vô cùng cần thiết.

“Lòng tin đó có thể được phát triển thông qua những cuộc trò chuyện, trao đổi mở giữa các bên về ý tưởng nào đó, cùng nhau vạch ra ưu, nhược điểm, khả năng thành công của ý tưởng trước khi đưa vào triển khai”, vị chuyên gia nói.

Từ đó, có thể thấy vai trò của ĐMST nói chung và Trung tâm ĐMST nói riêng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.

Ở Việt Nam, rất nhiều địa phương, tổ chức đang đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các quy mô và các cấp độ khác nhau, tên gọi khác nhau. Nhưng thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần được trao đổi xung quanh khái niệm về Trung tâm Đổi mới sáng tạo và phương thức vận hành, quản lý các Trung tâm Đổi mới sáng tạo có đủ khả năng phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả. 

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/doanh-nghiep-con-gap-kho-trong-tiep-can-chinh-sach-doi-moi-sang-tao-a285.html