Quá trình này cần phải được tiến hành một cách trung thực, hợp lý và nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi sớm có biện pháp khắc phục.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước gần như chững lại trong thời gian gần đây do dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), định giá doanh nghiệp là một vấn đề cản trở tiến trình cổ phần hóa thời gian qua. Về lý thuyết cũng như trên thực tế, rất khó để xác định giá trị của doanh nghiệp một cách chính xác, bởi các yếu tố làm cơ sở cho việc định giá như lãi suất, triển vọng kinh doanh và lợi nhuận doanh nghiệp… luôn biến động theo thời gian và phải ước tính, dự báo. Hơn nữa, giá bán vốn cổ phần hóa của Nhà nước còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán.
Chính vì khó xác định chính xác giá trị doanh nghiệp cũng như giá bán vốn của nhà nước, nên TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng các cấp quản lý luôn thận trọng trong việc phê duyệt các phương án cổ phần hóa, vì lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu kết quả cổ phần hóa bị coi là không thành công như kỳ vọng.
“Nỗi lo trách nhiệm càng được nhân lên khi các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Điển hình là các cơ chế chính sách trong việc định giá các tài sản như đất đai, thương hiệu…”, TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ với Báo Tin tức.
Do đó, TS. Nguyễn Đức Độ kiến nghị, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, điều quan trọng là phải sẵn sàng chấp nhận các biến động của thị trường trong việc định giá doanh nghiệp. Điểm then chốt là xây dựng các cơ chế đấu giá cạnh tranh, bình đẳng, cùng các cơ chế về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp để các lực lượng thị trường có thể định giá doanh nghiệp một cách chính xác nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã từng thừa nhận việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Song việc này thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại sau kiểm toán, từ đó gây nên thất thoát và thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu dẫn chứng, sau khi kiểm toán 45 doanh nghiệp hậu cổ phần, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá giá trị nhiều doanh nghiệp tăng lên nhiều lần, bình quân 2,8 lần.
Theo Bộ trưởng, điều này cho thấy việc xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, rủi ro, thiếu chính xác, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Bộ trưởng cho biết, có nhiều quan điểm, trước đây tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất một lần tính vào giá trị doanh nghiệp. Khi tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường thì đây chính là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc sau khi nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ chuyển mục đích sử dụng đất. Khi đó, việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí “giết chết” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá căn cứ vào nhiều yếu tố để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Trong đó, phương pháp chiết khấu dòng tiền hay phương pháp tỷ số bình quân sẽ không tách bạch riêng việc xác định giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử khi định giá. Về bản chất, đối với các phương pháp này, các giá trị đem lại từ thương hiệu, giá trị văn hoá lịch sử... đã phản ánh trong dòng tiền thuần tự do hay doanh thu, lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Ông Lê Thanh Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, địa bàn hoạt động nhỏ hẹp, thậm chí đang rất khó khăn, cơ bản không có lợi thế đáng kể về thương hiệu, cũng như giá trị văn hoá lịch sử. Việc thu thập các chi phí tạo lập giá trị thương hiệu trải qua rất nhiều năm dẫn đến rủi ro không thu thập được đầy đủ chứng từ, bằng chứng; hoặc doanh nghiệp thiếu hợp tác, dẫn đến thời gian thẩm định giá kéo dài, tính chính xác chưa cao trong khi giá trị xác định được không đáng kể so với tổng giá trị doanh nghiệp. Do vậy, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bỏ nội dung này tại Nghị định 32/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện theo nguyên tắc thẩm định giá được Bộ Tài chính ban hành.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng cho rằng, khi thực hiện quy định xác định giá trị thương hiệu; trong đó bao gồm yếu tố lịch sử văn hóa của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều lúng túng, khó khăn do yếu tố lịch sử văn hóa khó định lượng cụ thể và mang nhiều yếu tố định tính. Do đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, sửa đổi bổ sung, có quy định cụ thể phương pháp tính để xác định yếu tố văn hóa, lịch sử trong xác định giá trị doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Nhà nước không can thiệp trực tiếp, thông qua ban hành phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp mà để các công ty tư vấn thực hiện theo Pháp lệnh Giá, quy định về thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp. Trong số đó, các yếu tố như lợi thế, thương hiệu… nằm trong phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp do tư vấn làm, nằm trong quy định chung về thẩm định giá.
Định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất
Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không nên cho DN trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường; tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013.
Quán triệt và bám sát nguyên tắc này, thì đất có nguồn gốc CPH sẽ được xử lý theo hai hướng: Hoặc tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất và triển khai phương án CPH theo quy trình đã định; hoặc không tính giá đất vào giá trị DN khi CPH, mà trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi CPH xong.
Theo đó, cần phân giá trị quyền sử dụng đất DN thành 2 nhóm. Nhóm 1 là tính toán được ngay và đưa vào giá trị CPH DN. Nhóm 2 là phần không tính được hoặc sử dụng sai mục đích thì nên thu hồi và đưa ra đấu giá cổ phần, tôi cho rằng đây là đề xuất tích cực mang tính đột phá phù hợp quy định chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết 60 của Quốc hội.
Nếu thực hiện tốt việc tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH DNNN sẽ tạo hướng khả thi và hiệu quả cao trong giải bài toán khó nhất, vướng nhất hiện nay là xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế kinh doanh của các DNNN cần CPH đang nắm giữ những diện tích đất ở vị trí đẹp trong khu đô thị và cả ở những khu vực hẻo lánh khó xác định giá trị trường. Qua đó, tránh định giá giá trị DNNN sai (quá cao và quá thấp) khi xây dựng phương án CPH DNNN và giảm thiểu tình trạng cán bộ sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết định, khi có vướng mắc liên quan đến vấn đề xử lý đất đai…
Ngoài ra, cần bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất (diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền…).
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/co-phan-hoa-va-bai-toan-go-nut-that-xac-dinh-gia-tri-doanh-nghiep-a2702.html