Theo Báo Tin tức, hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Thông tin về sự hợp tác trong lĩnh vực lao động và di cư lao động giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, lao động đi xuất khẩu thông qua các hình thức chủ yếu gồm: Lao động đi theo chương trình EPS. Đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo chương trình này. Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1500-2000 USD/tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về BHXH được ký vào tháng 12/2021.
Tiếp đến là lao động kỹ thuật, (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc thông qua các Hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7. Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2000-2500 USD/tháng. Hiện có khoảng 3.535 lao động kỹ thuật đang là việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.
Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/tháng và tàu cá gần bờ là 1400 USD/tháng.
Bên cạnh đó, từ năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa gần 1.000 lao động đi, 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc.
Mở rộng thị trường lao động tiềm năng
Trao đổi với Báo Đại biểu nhân dân, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 nhằm phục hồi kinh tế, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng, đây là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài.
Thêm vào đó, ngay từ những tháng đầu năm 2022, bên cạnh việc mở cửa lại các thị trường truyền thống, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường thu nhập cao đã được xúc tiến triển khai. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như với Đức, Nga, Isarel và một số thị trường châu Âu khác.
Thực tế cho thấy, các chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Đức và Nhật Bản được duy trì thực hiện hàng năm, đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động Việt Nam. Theo các chuyên gia, với tình hình hiện tại, việc thực hiện kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cũng lưu ý, song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt các thị trường mới mở cửa trở lại dễ phát sinh lừa đảo, để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
7 tháng đầu năm, đưa hơn 56.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết trong khuôn khổ chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA), đơn vị này phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức lễ xuất cảnh cho hơn 150 ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 9 sang nước này tiếp tục học tập và làm việc.
Theo Dolab, từ năm 2012 đến nay, chương trình EPA đã triển khai được 10 khóa, tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 2.012 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam. Trong đó, 1.693 ứng viên đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản. Dolab đang tiếp nhận hồ sơ ứng viên tham gia tuyển chọn khóa 11 năm 2022 theo chương trình EPA. Dự kiến, đợt này Dolab sẽ tuyển 240 ứng viên. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là đến hết ngày 31-10. Ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình tuyển chọn này nộp hồ sơ trực tiếp tại Dolab.
EPA là một chương trình chất lượng cao được cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản trực tiếp phối hợp thực hiện trong tất cả các khâu. Các ứng viên được chính phủ hai nước hỗ trợ toàn bộ chi phí, từ đào tạo 1 năm tiếng Nhật tới ăn ở và sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Trong thời gian làm việc, ứng viên sẽ tham gia thi lấy chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản để có thể làm việc lâu dài tại nước này.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong 7 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đã đưa 56.863 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - đạt 63,2% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 21.238 nữ. Với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục duy trì ổn định, việc thực hiện kế hoạch đưa 90.000 người sang nước ngoài làm việc trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết trong 7 tháng qua, bộ đã đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Israel; dự thảo Biên bản thỏa thuận (MOU) về lao động nông nghiệp với Úc; xây dựng thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; hoàn thiện Bản ghi nhớ về di cư lao động có kỹ năng và trao đổi kiến thức với CHLB Đức; trao đổi "Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Malaysia".
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gan-50000-lao-dong-viet-nam-dang-lam-viec-tai-han-quoc-va-nhung-co-hoi-rong-mo-a2603.html