Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước trong những tháng đầu năm 2022, đưa ra những cảnh báo như trên cho nền kinh tế.
Đánh giá kinh tế vĩ mô phục hồi tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, nhưng Bộ Tài chính đã nhận diện và cảnh báo những rủi ro, thách thức có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế.
Trước hết đó là rủi ro lạm phát khi Việt Nam chịu sức ép cao về lạm phát chủ yếu do nền kinh tế có độ mở lớn, lạm phát ở các nước tăng cao, do xung đột Nga và Ukraine, ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, giá năng lượng, giá lương thực tăng cao.
Dẫn tới, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu khi sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó tỉ giá, lãi suất đang có xu hướng tăng.
"Lạm phát là một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trong năm 2022. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022, tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô" - Bộ Tài chính cho biết và đánh giá sức ép này có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kết quả chương trình phục hồi, làm gia tăng chi phí sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dù có những chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, giải ngân đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Huy động trái phiếu gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư có xu hướng chờ thị trường ổn định.
Chưa kể, nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tạo áp lực tăng lãi suất. Nếu Việt Nam tăng lãi suất thì sẽ đi ngược với chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ, nhưng ngược lại nếu không tăng lãi suất thì giá trị các đồng tiền sẽ bị giảm xuống.
Việc Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách Zero-COVID và diễn biến dịch COVID-19 ở nước này vẫn tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ khi phần lớn nguyên liệu đầu vào của sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Việc đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, trong khi đó đồng VND có tỉ giá tương đối ổn định so với USD khiến giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng lên sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Bộ Tài chính cho rằng cần chủ động theo dõi sát tình hình để ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô, tác động từ lĩnh vực tài chính, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Đẩy nhanh triển khai các gói kích thích kinh tế, cải thiện sản xuất kinh doanh. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.
Huy động các nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, sớm ban hành danh mục, mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án; thực hiện cơ chế chỉ định thầu với các gói thầu thuộc chương trình…
Bên cạnh đó là việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chủ động phương án để chuẩn bị khi xảy ra đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Theo dõi sát tình hình tỉ giá và quản lý thị trường ngoại hối phù hợp…
Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát, cảnh báo nguy cơ và kiểm soát lạm phát. Nhận định mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, không gây đứt gãy nguồn cung, gắn với theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu…
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức lại toàn diện thị trường vốn, chứng khoán, phát triển thị trường ổn định, lành mạnh, an toàn và hiệu quả…