Tuyên bố dồn lực cho An Khang khi nhận thấy cơ hội hậu Covid-19, Công ty liên tục được nhân rộng, hiện nằm trong top đầu tăng trưởng và dần rút ngắn khoảng cách với các đối thủ như Long Châu, Pharmacity…
Công ty cũng thực hiện đồng bộ hàng loạt những thay đổi - từ nhận diện thương hiệu thống nhất sang màu xanh - trắng; bài trí lại cửa hàng với không gian mở trong diện tích trung bình 40m2; đảm bảo nguồn thuốc đầy đủ và đa dạng hóa các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2022, mỗi tháng hệ thống mở mới trên dưới 100 cửa hàng. Kết quả, chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, hệ thống đến nay đã cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc Bộ. Điều này cho thấy, sau thời gian thăm dò cũng như thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, Công ty đã thử nghiệm và nghiêm túc đề ra chiến lược phát triển, tham vọng vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Dù bước vào lĩnh vực này từ năm 2017 và mở rộng chậm hơn so với các đối thủ, An Khang vẫn thể hiện tiềm lực mạnh mẽ khi tiến thẳng top 3 nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất hiện nay chỉ trong vòng nửa năm khởi động.
"Việc mở rộng thần tốc là quá trình tất yếu sau thời gian thăm dò thị trường. Tham gia cuộc đua có phần muộn hơn trên thị trường, An Khang chắc chắn sẽ duy trì tốc độ để rút ngắn khoảng cách với các nhà bán lẻ khác.
Tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của Ban Giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. Hơn ai hết, tôi cảm nhận được "hơi thở" của chuỗi này như thế nào và vì thế tôi có thể tin tưởng cuối năm nay An Khang sẽ có lời", CEO Đoàn Văn Hiểu Em bổ sung.
Điểm lại, An Khang được thành lập từ năm 2002 với tên gọi Nhà thuốc Phúc An Khang, đến cuối năm 2017, chuỗi bán lẻ dược phẩm này chính thức là thành viên của Thế Giới Di Động (MWG) với 14 cửa hàng tại Tp.HCM. Lúc bấy giờ, đánh giá quy mô chưa đủ lớn, chỉ bằng khoảng một nửa so với ngành di động, nên MWG không vội vã đầu tư ngành dược. Ngược lại, thị trường hàng tiêu dùng lớn hơn nhiều nên MWG chọn dốc sức đầu tư vào Bách hoá Xanh, không muốn và không đủ nguồn lực phát triển mạnh hơn chuỗi An Khang.
Sau 5 năm, một bức tranh tương tự đang tái diễn, nhưng với tâm thế quyết liệt hơn, cụ thể theo ông Nguyễn Đức Tài: "Muốn kiếm lợi nhuận trong ngành dược thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc".
Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất mạnh. Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái bảo vệ sức khỏe. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khỏe mạnh phát triển rất tốt.
Theo đó, từ đầu năm, MWG chính thức tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi An Khang với tốc độ sẽ rất nhanh. Sau thời gian tích hợp để hưởng sái lưu lượng khác tại Bách Hoá Xanh, chuỗi An Khang từ năm 2022 sẽ được MWG chi mạnh phát triển độc lập, Công ty cũng khẳng định sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.
Cuối năm 2021, MWG đã mua lại gần 100% vốn An Khang, chính thức ghi nhận chỉ số doanh thu lợi nhuận vào Tập đoàn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh đối thủ đáng gờm là chuỗi Long Châu (được vận hành bởi FPT Retail), doanh thu Công ty liên tục tăng bằng lần nhờ hoạt động xuyên suốt đại dịch. Đặc biệt, "thiên thời địa lợi nhân hoà" giúp Long Châu nhanh chóng có lãi nhẹ, dù kế hoạch ban đầu của ban lãnh đạo sẽ hoà vốn đến năm 2023.
https://cafef.vn/ong-nguyen-duc-tai-chuoi-nha-thuoc-an-khang-chi-6-thang-da-di-doan-duong-dai-hon-3-nam-du-som-co-lai-tu-nam-2022-20220715122724568.chn