Nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước Petrolimex báo lỗ

Trái ngược với PV Oil, Petrolimex ghi nhận lỗ gần 141 tỷ đồng trong quý II/2022 trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục thời gian qua.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HoSE: PLX) – doanh nghiệp chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu trong nước công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với 84.367 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu chi phí, riêng chi phí bán hàng 2.570 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất đã ăn mòn toàn bộ lợi nhuận gộp của Petrolimex (ở mức 2.402 tỷ đồng). Trừ đi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, ông lớn trong ngành báo lỗ trước thuế gần 279 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ khoản hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp nên Petrolimex chỉ còn lỗ sau thuế 141 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.594 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ âm hơn 196 tỷ đồng trong quý II. Biên lợi nhuận gộp của Petrolimex chỉ đạt 2,84% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 9%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt 151.387 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 78% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 87% còn gần 302 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về chủ sở hữu công ty là 206 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2022, Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 186.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.060 tỷ đồng. Theo đó, với kết quả 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới đạt chưa tới 10% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra nhưng đã đạt 81% chỉ tiêu doanh thu cả năm.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý II của công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ và phát sinh lỗ, lãnh đạo Petrolimex cho biết trong quý này, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.

Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý II lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6. Ngoài ra, sự cố nhà máy Nghi Sơn khiến Petrolimex bị động trong việc tìm nguồn thay thế do liên quan tới vấn đề giá, nguồn cung.  

Trước đó, Petrolimex đã có quý I ảm đạm khi lợi nhuận giảm 40% bất chấp doanh thu tăng trưởng tới 75%. 

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2022, quy mô tài sản của Tập đoàn đạt 81.049 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm.

Khoản mục chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với giá trị 22.148 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 1.330 tỷ đồng. So với đầu năm, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex đã tăng 75% nhưng giảm gần 9% so với cuối quý I.

Petrolimex còn có 17.853 tỷ đồng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn. Số tiền này đem về cho doanh nghiệp gần 403 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng.

Tổng nợ vay của Petrolimex cuối tháng 6 là 18.200 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn song không được thuyết minh chi tiết. Vốn chủ sở hữu đạt 26.119 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.435 tỷ đồng.

Cùng là nhà phân phối bán lẻ xăng dầu lớn trong nước, song trong quý II vừa qua, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - HoSEL: OIL) lại ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục với doanh thu thuần đạt 30.412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 510 tỷ đồng, tăng 87,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Oil ghi nhận 53.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ và lãi sau thuế thu về 793 tỷ đồng, tăng 70,5% so với nửa đầu năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này từng đạt được kể từ khi lên sàn.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nha-ban-le-xang-dau-lon-nhat-nuoc-petrolimex-bao-lo-a2085.html