Bức tranh sáng tối của doanh nghiệp cảng biển

Lợi nhuận trong quý II của nhiều đơn vị cảng biển chỉ duy trì đi ngang hoặc giảm sút trong khi đó lượng hàng hóa thông qua cảng biển cũng suy giảm.

Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. 

Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục, giá cước hạ nhiệt so với mức đỉnh năm 2021 mang đến động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022, đặc biệt là các nhóm hàng thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, có một thực tế nghịch lý là dù sự khởi sắc của chuỗi cung ứng đang ngày càng rõ nét nhưng việc “làm ăn” của các doanh nghiệp ngành cảng biển – vốn được xem là “đầu tàu” hưởng lợi lại không không tương xứng thậm chí có phần ảm đạm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa mới được công bố, trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đạt doanh thu ở mức gần 7.229 tỷ đồng, tăng 120%. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.395 tỷ đồng, tăng 120% và hoàn thành trên 95% kế hoạch năm.

Trong đó, lĩnh vực khai thác cảng biển vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất của VIMC khi chiếm 54% tổng doanh thu hợp nhất (đạt 3.888 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nếu như khối vận tải biển có mức tăng trưởng đến 166% so với cùng kỳ năm trước về doanh thu, thì khối cảng biển lại đi theo hàng ngang khi doanh thu chỉ đạt 98,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự chênh lệch giữa hai mũi nhọn kinh doanh của “ông lớn” ngành vận tải cũng như phản ánh bức tranh chung của thị trường.

Về sản lượng, theo báo cáo của VIMC trong sáu tháng đầu năm 2022, tổng lượng hàng thông qua các cảng là 64 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng container thông qua cảng biển giảm 8,97% so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 2,7 triệu Teus.

Tương tự, Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) cũng chứng kiến mức tăng trưởng gần như đi ngang khi doanh thu chỉ tăng trưởng 1% đạt mức gần 555 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuê tăng trưởng trên 7% đạt 162,7 tỷ đồng. Trong đó, trong quý II, doanh thu có mức giảm nhẹ gần 2,5% và lợi nhuận tăng nhẹ 6,4%.  

CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) với doanh thu ở mức gần 1.160 tỷ đồng cũng tăng trưởng ngang so với cùng kỳ năm trước (1.147 tỷ đồng). Về lợi nhuận trước thuế có khả quan hơn khi đạt gần 480 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh tăng trưởng ngang, nhiều doanh nghiệp cảng biển có kết quả kinh doanh không mất khả quan khi chiều mũi tên tăng trưởng đang hướng xuống. Theo đó, Cảng Đình Vũ (HoSE: DVP) ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 156.8 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 6%, xuống mức gần 99 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đi ngang ở mức 63%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đi ngang so cùng kỳ, đạt gần 300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2%, lên hơn 136 tỷ đồng.

Năm 2022 Cảng Đình Vũ đặt mục tiêu đạt 725 tỷ đồng tổng doanh thu. Kế hoạch lãi trước thuế 345 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Cảng Đình Vũ đã hoàn thành 41% kế hoạch về doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Theo báo cáo tài chính của CTCP Cảng Cam Ranh (HNX: CCR), doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong quý II giảm 33% so cùng kỳ, còn hơn 38 tỷ đồng. Giá vốn tăng nhẹ, chiếm hơn 28 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Công ty giảm 65%, còn hơn 10 tỷ đồng. Biên lãi gộp rơi từ 52% xuống còn 27%. Sau cùng, CCR báo lãi ròng quý 2 gần 3.8 tỷ đồng, giảm 75% so cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Công ty đem về gần 71 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 35% so cùng kỳ, dẫn đến lãi ròng giảm 64%, về mức 9 tỷ đồng.

Năm 2022, CCR đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 34.5 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 35% so với thực hiện năm 2021. So với kế hoạch đề ra, CCR mới thực hiện được 47% chỉ tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản của CCR đạt gần 323 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; nợ phải trả tăng mạnh 98% so đầu năm, lên mức 48.5 tỷ đồng, chủ yếu do phải trả ngắn hạn khác tăng từ 43 triệu đồng lên hơn 29.5 tỷ đồng. 

Tương tự, Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu trong quý đạt gần 325 tỷ đồng, giảm gần 52 tỷ đồng so với quý II/2021. Trừ chi phí vốn, Cảng Sài Gòn lãi sau thuế 117 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Do sự sụt giảm mạnh trong quý II, dẫn đến lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu giảm gần 12,7% so với năm 2021, ở mức gần 615 tỷ đồng. Trừ chi phí vốn vá các chi phí phát sinh, lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, đạt 52% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt gần 166,5 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước đó.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của CTCP Cảng Quy Nhơn (OTC: QNP) cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 18,4 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 của cảng Quy Nhơn cũng giảm 66% so với cùng kỳ.

Hồ sơ doanh nghiệp - Bức tranh sáng tối của doanh nghiệp cảng biển

Trong khi khối vận tải biển có nhiều tín hiệu tích cực, khối cảng biển lại có lợi nhuận sụt giảm. 

Bên cạnh đó, thực tế vẫn có những doanh nghiệp chứng kiến sự tăng trưởng trong nửa đầu năm đầu biến động. Theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN), doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh với nhiều chỉ số tích cực. Theo đó, riêng quý II, công ty ghi nhận gần 303 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17.6% so cùng kỳ; hơn 96 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 45% so cùng kỳ.

Giải trình về kết quả tăng vọt, ban lãnh đạo Cảng Đồng Nai cho biết, trong quý II, Tp. HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng biển trên địa bàn thành phố, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho PDN khai thác hàng hóa qua Cảng Đồng Nai và Cảng khu vực Cái Mép.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PDN ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 529 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, tăng 13% và 37% so cùng kỳ.

So với mục tiêu doanh thu (940 tỷ đồng) và lãi sau thuế (168 tỷ đồng) đặt ra trong ĐHĐCĐ 2022, PDN đã thực hiện được lần lượt 56% và 75% sau nửa năm.

Tổng tài sản tính đến thời điểm 30/06/2022 của PDN đạt 1,255.1 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn tăng gần 30%, lên hơn 363 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận chi trả cổ tức và lợi nhuận phải trả tăng đột biến từ 483 triệu đồng, lên 46.6 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) cũng báo lãi ròng quý 2 đạt 93.6 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu gần 981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 269 tỷ đồng và lãi ròng gần 184 tỷ đồng, tăng lần lượt 8%, 29% và 23% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022, Công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu doanh thu, và gần 54% lợi nhuận trước thuế.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, khối lượng hàng hóa qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1%. 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 370,8 triệu tấn, tăng 2%.

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, mức tăng 1% của khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm gần đây, dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch Covid-19.

Đáng chú ý, hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển tiếp tục giảm mạnh. Lượng hàng nhập khẩu chỉ đạt 87,1 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, sản lượng hàng hóa qua cảng biển thời gian qua có sự sụt giảm. Một trong những nguyên nhân là chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến lượng hàng hóa thông qua cảng biển giảm mạnh.

Cùng đó, những biến động về kinh tế, chính trị như xung đột Ukraine - Nga hay sự gia tăng lạm phát, biến động giá nhiên liệu… cũng gây ra những tác động tiêu cực.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/buc-tranh-sang-toi-cua-doanh-nghiep-cang-bien-a2079.html