Dệt may, da giày và điện tử... “khát” lao động

Ba ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay là dệt may, da giày và điện tử... đang luôn trong tình trạng thiếu nhân công.

Sau 2 năm dịch bệnh, thị trường lao động phục hồi, nhưng số lao động bỏ việc hoặc chuyển sang ngành khác ngày càng tăng, trong khi tuyển mới rất khó khăn.

Chỉ với vài câu hỏi lặp đi lặp lại với người lao động, tuyển dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp nhanh và hiệu quả. Doanh nghiệp chỉ cần giấy khám sức khỏe và căn cước công dân. Còn với lao động là thu nhập tối đa hàng tháng.

"Có mấy anh chị em cũng vào đây làm. Công việc cũng ổn định. Vào đây chỉ kiểm tra toán và chữ viết", chị Lù Thị Thương, xã Đản Ván, Hoàng Su Phì, Hà Giang, chia sẻ.

Công ty May Star, Hà Nội có hơn 6.000 lao động. Bộ phận tuyển dụng gồm 3 người phải làm việc liên tục vì thường xuyên có người nghỉ việc. Trong khi đó những người mới đều trên 30 tuổi và từ công ty khác chuyển sang, không có lao động trẻ.

Dệt may, da giày và điện tử... “khát” lao động - Ảnh 1.

Sau 2 năm dịch bệnh, thị trường lao động phục hồi, nhưng số lao động bỏ việc hoặc chuyển sang ngành khác ngày càng tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)


"Lao động trẻ giờ không thiết tha gì mấy với ngành may, vì vậy chúng tôi phải nâng độ tuổi tuyển dụng lên. Trước đây 18 - 20, nhưng giờ có thể là 35 - 40 cũng phải chấp nhận", chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Bộ phận tuyển dụng Công ty May Star, Hà Nội, cho biết.

Tại Bình Dương, gỗ và may mặc là những nhóm ngành cần nhiều lao động nhất, tiếp theo là điện tử.

"Chúng tôi đang thiếu 1.000 công nhân. Hiện chúng tôi bắt đầu đầu tư vào tự động hóa, số hóa nhiều hơn nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân lực", ông Densil Tissera, Giám đốc Sản xuất, Tập đoàn Win Hanverky tại Việt Nam, cho hay.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày hiện nay đều khó tuyển lao động, trong khi đang thiếu 20% nhân lực.

Một số doanh nghiệp đầu năm lên kế hoạch tuyển thêm 1.000 người, nhưng chưa tuyển đủ đã mất hàng trăm lao động "nhảy việc".

"Chúng tôi tuyển lao động quanh năm, đặc biệt là chế độ cho người lao động chúng tôi thực hiện rất tốt. Chúng tôi trả lương cho người lao động cũng tương đối cao trả lương nhưng vẫn không tuyển đủ người", ông Nguyễn Văn Cường, Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Anh, Hà Nội, nói.

Vấn đề của thị trường lao động hiện nay là các doanh nghiệp đang đồng loạt thực hiện tuyển dụng và cạnh tranh, thu hút lao động với nhiều ưu đãi ngoài lương tối thiểu.

Dù một số đơn hàng giảm sút do lạm phát quốc tế, nhưng số lượng tuyển vẫn không giảm, đặc biệt lao động phổ thông hiện rất khó tuyển.


Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/det-may-da-giay-va-dien-tu-khat-lao-dong-a2009.html