TP HCM vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng, cảng biển sau hơn ba tháng triển khai. Động thái này nhằm khuyến khích vận tải hàng bằng đường thủy nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, thành phố miễn thu phí với các loại hàng: nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; đảm bảo an sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; gửi kho ngoại quan; quá cảnh; ra vào cảng bằng các tuyến đường thuỷ theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa.
Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu, tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành khác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.
Trước đó, TP HCM thu phí hạ tầng cảng từ đầu tháng 4 hai lần lùi kế hoạch. Quy trình thu phí triển khai qua hệ thống điện tử, không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội thậm chí địa phương lân cận phản ứng vì cho rằng có sự phân biệt đối xử, loại phí này thêm gánh nặng cho họ, nhất là sau đại dịch.
Cụ thể, trong các kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và TP HCM, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu ra 3 nhóm kiến nghị. Thứ nhất, mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM là cao, thời điểm thu không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch.
Thứ hai, việc thu phí không đúng với vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã làm cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa và không đúng quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, có sự chênh lệch về mức thu trong việc mở tờ khai thông quan tại TP HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận vì doanh nghiệp có xu hướng đổ dồn về TP HCM để mở tờ khai, gây ách tắc trong khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng của TP HCM.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã có chỉ đạo đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND TP xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022.
Trên thực tế, qua hai tháng triển khai thu phí, Sở GTVT TP HCM cũng báo cáo cho thấy các doanh nghiệp ở các địa phương vẫn giữ các tập quán, thói quen luồng hàng trong xuất nhập khẩu hàng hoá.
Cụ thể, doanh nghiệp vẫn chọn cảng biển TP.HCM để xuất khẩu hàng hóa dẫn đến lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hoá từ các địa phương khác về hệ thống cảng biển TP.HCM thời gian qua không giảm, chưa đạt được mục tiêu về điều tiết giao thông.
Theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP.HCM năm 2021 đạt trên 7,9 triệu TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước (gần 18,36 triệu TEU), chưa kể hàng lỏng, hàng rời. Với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, việc điều chỉnh mức thu phí công bằng, tránh phân biệt giữa các địa phương sẽ là hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.
Đồng thời hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy. Đặc biệt, khuyến khích vận tải đường thủy nội địa phát triển và đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nguyễn Mến
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tphcm-giam-50-phi-ha-tang-cang-bien-cho-hang-thuy-noi-dia-a2.html