Nhận thấy công việc cứ lặp đi lặp lại, anh Tân Khang (33 tuổi) quyết định tìm kiếm chỗ làm mới, sau 4 năm gắn bó với một công ty dịch vụ.
Đổi việc vì công việc bão hòa, lương giậm chân tại chỗ
Thu nhập không có khả năng tiếp tục tăng, không còn gì để học hỏi và cống hiến là những lý do khiến anh Khang cân nhắc đổi việc.
"Ở độ tuổi cũng không còn trẻ, tôi cần công việc nào có thu nhập cao hơn, hoặc chí ít có ‘dư địa’ tăng để lo cho gia đình. Cao hơn một chút cũng giúp việc trang trải sinh hoạt rất nhiều rồi", anh Khang chia sẻ.
"Làm việc hơn 4 năm ở một vị trí tại một công ty, tôi không thể học hỏi thêm điều gì nữa. Do vậy, công việc đến ngưỡng không thể đột phá, mà cứ lặp đi lặp lại nên rất chán", anh chia sẻ thêm về lý do nhảy việc.
Dù mức thu nhập mới không hơn quá nhiều, "kỹ năng, kiến thức, mối quan hệ và trải nghiệm từ những thách thức mới mang lại cho tôi cơ hội mở rộng thu nhập và niềm vui trong công việc", anh nói.
Chị Đàm Thị P. (29 tuổi) cũng tìm nơi làm việc khác, khi nhận thấy không thể theo đuổi con đường sự nghiệp như dự định sau 4 năm làm việc tại một công ty sữa.
Chị chia sẻ: "Tôi muốn phát triển ở mảng thu hút tài năng (Talent Acquisition). Công ty cũ không đầu tư, triển khai nhiều dự án liên quan mảng này".
Có nuối tiếc, nhưng không hối hận
Tự tin với kỹ năng và kiến thức đã tích lũy, không ngại chuyển việc (Ảnh minh họa: Flexjobs)
Một phần vì làm trong mảng nhân sự, hiểu rõ nhu cầu bản thân và nhà tuyển dụng, chị P. chỉ mất một thời gian ngắn để tìm một môi trường "trước mắt vô cùng phù hợp".
"Tôi hoàn toàn tự tin với kỹ năng và kiến thức đã tích lũy. Cùng với việc biết chắc bản thân muốn gì, cần gì, tôi chỉ mất khoảng 2 tuần để tìm được nơi làm việc phù hợp", chị nói.
Còn anh Khang chỉ nghỉ việc khi đã chắc chắn "một chân" ở chỗ khác. "Tôi tìm việc trong lúc vẫn làm ở công ty cũ, nên không có áp lực thất nghiệp. Tìm được thì đi, không thì từ từ tìm tiếp", anh kể.
"Chia tay nơi cũ cũng khiến tôi có hối tiếc nhất định, nhiều nhất là mối quan hệ với đồng nghiệp cũ" - chị P. tâm sự, "nhưng chưa bao giờ tôi hối hận. Tôi biết đời sống mình sẽ tốt hơn với công việc mới" - chị khẳng định.
Còn chị L. (32 tuổi) thấy bản thân không phù hợp với môi trường làm việc "nhưng lương cao, sợ rằng không tìm được công việc có mức thu nhập tương tự, nên lưỡng lự mãi rồi thôi", chị nói.
Gen Z nhảy việc để đốt cháy giai đoạn
Khác với thế hệ gen Y (sinh từ năm 1981 đến 1995) như trên, một số bạn trẻ gen Z (thế hệ sinh từ khoảng 1996 đến 2012) cho biết họ nhảy việc để đốt cháy giai đoạn. Quá trình các bạn học hỏi và ra quyết định cũng nhanh hơn rất nhiều.
Theo P. (22 tuổi) quan sát, phải mất hơn 1 năm để từ thực tập sinh đến vị trí junior (mức thấp nhất của nhân viên chính thức). Do vậy, bạn quyết định thực tập liên tục tại 3 công ty, mỗi công ty 3 tháng, để thu thập trải nghiệm, học hỏi quy trình. Sau đó, xin vị trí toàn thời gian ở một công ty khác.
"Chỉ mất thời gian ngắn để hiểu bản thân thiếu gì, cần trau dồi gì, có phù hợp không. 6 tháng thực tập là đủ hiểu công việc để lên chính thức rồi. Vậy mà nhiều công ty còn có giai đoạn freelancer thêm 6 tháng nữa, thậm chí có nơi còn thử việc thêm 2-3 tháng. Khác gì làm như nhân viên chính thức, mà chẳng có phúc lợi, lương lại thấp", P. nói.
T. (22 tuổi) đi làm từ năm 2, nhảy 4 công việc khác nhau trong chưa đầy 2 năm, hiện có mức thu nhập dao động 20-40 triệu mỗi tháng từ vị trí full time tại một công ty, và các dự án freelance.
"Bản thân làm việc có tâm, có tầm thì sẽ có việc làm thôi. Mình không lo. Không có việc này thì có việc khác. Không làm full time thì làm freelancer trên các nền tảng online. Giờ công việc nhiều lắm, chỉ cần siêng cập nhật kiến thức, kỹ năng là được", T. khẳng định.