Những doanh nghiệp thắng lớn
Đứng đầu trong danh sách này, phải kể đến “Nữ hoàng cá tra” - Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Vĩnh Hoàn, trong quý, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Dù giá vốn cũng tăng so với cùng kỳ, song nhờ giá bán tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn tăng tới 154%, đạt 1.097 tỷ đồng.
Kết quả, Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 788 tỷ đồng trong quý II/2022, cao gấp 3 lần so cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn tăng mạnh trong kỳ là nhờ sản lượng và giá bán cá tra tăng mạnh trong thời gian qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế là 1.341 tỷ đồng, gấp 3,4 lần con số 393 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành gần 84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với năm 2021.
Tại Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV), báo cáo tài chính quý II/2022 vừa công bố cũng cho thấy, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mẽ từ mảng cá tra. Trong kỳ, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Nam Việt ghi nhận mức lãi ròng gần 241 tỷ đồng, cao hơn 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là một trong những mức lãi ròng cao nhất mà công ty này ghi nhận được trong kỳ báo cáo.
Theo thông tin từ Báo Tin tức, tính chung nửa đầu năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu là sự tăng trưởng từ các mảng liên quan đến cá tra. Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Với kết quả này, Nam Việt đã đạt 51% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI (mã chứng khoán: IDI) - một doanh nghiệp cá tra niêm yết nữa cũng ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ trong kỳ.
Cụ thể, trong quý II/2022, doanh thu thuần của IDI đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 378 tỷ đồng, tăng 247% (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của công ty theo đó là 203 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của I.D.I đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 45,6%. Lãi sau thuế của công ty là 390 tỷ đồng, tăng 18,5 lần so với cùng kỳ.
Ngoài 3 doanh nghiệp trên, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho thấy có nhiều công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn như: Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%; Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%; Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%; Công ty cổ phần Thủy sản NTFS tăng 87%...
Vẫn còn nỗi lo
Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay được đặt trong bối cảnh ngành cá tra kinh doanh thuận lợi, với giá bán và sản lượng xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh.
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu cá tra hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ, với các thị trường đều tăng mạnh; trong đó, Trung Quốc, Mỹ và khối các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Trong báo cáo phân tích ngành thủy sản mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, giá bán trung bình của cá tra sang thị trường Mỹ đạt khoảng 4,5 - 5 USD/kg, tăng mạnh tới 60% so với cùng kỳ. Ở thị trường Trung Quốc, mức giá bán bình quân cá tra tuy có thấp hơn, ở mức 3,1 USD/kg, song cũng tăng 20% so với cùng kỳ.
Theo SSI, bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam.
Ngoài ra, biến động thị trường năm 2022 như: lạm phát và chiến sự Nga - Ukraine cũng là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, khi được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.
Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao vào thời điểm này. Theo VASEP, cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu cá tra sẽ giảm tốc trong quý III/2022. Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp cá tra theo đó có thể gặp trở ngại.
Theo nhận định của các nhà nhập khẩu, tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích, doanh số bán thủy sản đông lạnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát gia tăng, nhưng không nghiêm trọng bằng doanh số bán hàng tươi sống. Trong khi đó, kho hàng thủy sản nhập khẩu của Mỹ vẫn còn đầy. Do đó, có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước.
Thực tế, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại. Điều này được thể hiện rõ qua doanh số gần nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu có thị trường chính là Mỹ. Chẳng hạn, trong tháng 6/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 1.063 tỷ đồng, giảm 30% so với tháng trước đó.
Hầu hết các công ty thủy sản cũng cho biết, tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5/2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022.
Tuy vậy, bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn và Giáng sinh từ tháng 11 - 12.
Mặt khác, mới đây, tại thị trường nhập khẩu cá tra chính Trung Quốc đã quyết định xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus SARS-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. VASEP dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.
Hướng đến mục tiêu 2,6 tỷ USD
Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết, giá lương thực ở EU sẽ tăng cao, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có khả năng tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định, do đó, có thể duy trì mức thu mua cá nguyên liệu ở mức hiện tại.
Về dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022, ông Võ Hùng Dũng nhận định, con số có thể vượt mốc kim ngạch đạt được năm 2018 là trên 2,2 tỷ USD, hoặc chỉ đạt con số 2 tỷ USD. Việc này tùy thuộc vào sản lượng, việc mở rộng diện tích vùng nuôi, chứ không phải nhu cầu thị trường.
Trao đổi với Công Thương, ông Võ Hùng Dũng đánh giá, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra tăng mạnh chủ yếu do tồn kho lớn từ năm trước chứ không phải tăng sản lượng nuôi. Như vậy, sức bền của chuỗi cung ứng, sức bền của ngành hết sức quan trọng. Chính sách của Nhà nước phải làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nuôi duy trì ổn định sản xuất.
Vẫn còn một bộ phận không nhiều các hộ nuôi cá tra thương mại không tham gia chuỗi. Trong bối cảnh giá thức ăn cho cá cũng như các loại nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng mạnh, các chuyên gia khuyến nghị, người nuôi nên tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác nuôi cá tra hoặc liên kết lại thành HTX nuôi cá tra để tổ chức "mua chung, bán chung" thì sẽ rất có lợi về mặt kinh tế khi mua vật tư, nguyên liệu đầu vào và bán cá thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến.
Về việc này, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, Hiệp hội đang vận động các hộ nuôi cá tra liên kết với các doanh nghiệp rồi mới thả nuôi. Nếu chưa vào chuỗi liên kết được thì kể cả khi giá cá tra thấp hay cao cũng cần cân nhắc. Bởi lẽ, cho dù giá cá tra có cao, nhưng nếu nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp còn nhiều thì họ sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu này để tận dụng cơ hội lợi nhuận chứ không đi mua thu mua của người nuôi thương mại mà chưa có liên kết.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tin-vui-cua-nhieu-doanh-nghiep-ca-tra-nho-chu-ky-tang-gia-a1712.html