USD giảm do bán chốt lời, euro và Bitcoin hồi phục mạnh

Đồng USD quay đầu giảm trong phiên thứ Sáu (15/7) do các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá vọt lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Thị trường xác định có rất nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng này.

Đồng bạc xanh bước vào phiên cuối tuần tiếp tục tăng vọt do dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương đồng cấp khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 4 thập kỷ.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 6 tăng nhiều hơn dự kiến cũng hậu thuẫn xu hướng USD tăng.

Joseph Trevisani, nhà phân tích cấp cao của FXStreet.com ở New York, cho biết: "Nó (USD) tăng tốt hơn một chút so với dự kiến, nhưng tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng có lẽ đó là do lạm phát". Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư đang đóng các vị thế trước cuối tuần sau "một thời gian dài đồng đô la tăng mạnh".

Các dữ liệu khác cho thấy sản lượng sản xuất của Mỹ trong tháng 6 sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp và người tiêu dùng Mỹ đã giảm bớt kỳ vọng về lạm phát trong tháng 7. Đó chính là lý do khiến USD hạ nhiệt vào cuối phiên.

Chỉ số Dollar index (DXY) kết thúc phiên 15/7 giảm 0,47% xuống 108,04, trong phiên thứ Năm (14/7), DXY đạt 109,29, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2002. Tính chung cả tuần, DXY tăng 1%.

Đồng euro kết thúc phiên tăng 0,57% lên 1,0080 USD, trong phiên có lúc giao dịch ở mức thấp 0,9952 USD, thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2002.

Các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn nữa sau khi dữ liệu vào thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng hàng năm của Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng Sáu, mức tăng lớn nhất trong hơn bốn thập kỷ.

Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất 100 điểm cơ bản đã giảm, sau khi hai trong số các quan chức Fed "hiếu chiến" nhất vào hôm thứ Năm cho biết họ muốn tăng 75 điểm cơ bản.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm thứ Sáu cũng cảnh báo về việc ngân hàng trung ương di chuyển "quá đột ngột" vì điều đó có thể gây tổn hại đến thị trường việc làm hiện đang rất mạnh mẽ, và đến các xu hướng tích cực khác mà nền kinh tế Mỹ hiện đang có.

Thị trường hiện xác định có 81% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, và 19% cơ hội tăng 100%.

Đồng euro phải đối mặt với hai "chất xúc tác" tiềm năng lớn vào tuần tới, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong cuộc họp vào ngày 21/7.

Các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào việc liệu đường ống quan trọng Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức sau khi đóng cửa để bảo trì trong tuần này có mở lại vào tuần tới hay không. Dự kiến đường ống này sẽ ​​mở cửa trở lại vào ngày 21/7, nhưng các chính phủ châu Âu lo ngại rằng Moscow có thể gia hạn để hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, làm gián đoạn kế hoạch xây dựng kho dự trữ cho mùa đông.

Đồng USD giảm 0,27% so với đồng yên Nhật trong phiên 15/7, sau khi chạm mức cao nhất trong 24 năm vào thứ Năm (14/7) khi ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì lập trường ôn hòa, trái ngược với các động thái "diều hâu" của các ngân hàng trung ương khác.

Đồng đô la Australia đã tăng 0,60%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào thứ Năm do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.

Đồng bảng Anh cũng tăng nhẹ trong phiên vừa qua, nhưng vẫn ở mức thấp nhất hơn 2  năm do lo ngại suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị đè nặng lên tâm lý nhà giao dịch.

Trong phiên thứ Sáu, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự dao động của đồng USD, đồng bảng Anh kết thúc phiên đã tăng 0,1% lên 1,184 USD, nhưng lúc đầu phiên đã giảm và dù tăng sau đó thì vẫn ở quanh mức thấp 1,1761 USD chạm tới hôm thứ Năm -  mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. So với euro, bảng giảm 0,25% xuống 84,935 pence.

Tính chung cả tuần, bảng Anh giảm 1,5% so với USD.   

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng 3 phiên liên tiếp, vượt qua ngưỡng 21.000 USD, bất chấp tâm lý nghi ngờ vẫn đang tồn tại.

Theo đó, Bitcoin hôm thứ Sáu tăng 1,5% lên 21.000 USD. Sau 3 phiên tăng, Bitcoin kết thúc tuần ở mức giá ngang bằng với hôm đầu tuần.

Đồng ether hôm thứ Sáu tăng mạnh 5,8% lên 1.266 USD.

Một số nhà phân tích vẫn đang cảnh giác về sự gia tăng của bitcoin trong bối cảnh thị trường không thích rủi ro, với lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm vào thứ Tư và nhà cho vay tiền điện tử gặp khó khăn là Celsius Network nộp đơn phá sản hôm thứ Tư.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, cho biết dù năng phục hồi gần đây song không nhất thiết Bitcoin sẽ phục hồi thêm.

"Triển vọng ngắn hạn vẫn là một mối quan ngại do môi trường rủi ro ngày càng mở rộng ra và các báo cáo về các vụ phá sản trong ngành". "Nếu có bất cứ điều gì trong số những điều trên vẫn xảy ra, điều thứ hai có thể là mối quan tâm lớn hơn nếu [bitcoin] cuối cùng phá vỡ mức thấp hơn."

Giá Bitcoin ngày 15/7

Giá vàng giảm trong phiên thứ Sáu, tính chung cả tuần giảm tuần thứ 5 liên tiếp do sức mạnh của đồng USD bao phủ không chỉ thị trường vàng mà toàn bộ các thị trường rộng lớn trong bối cảnh Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.

Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.704,30 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 2,2%; vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,1% xuống 1.703,6 USD.

TD Securities cho biết: "Với những ‘con bọ vàng’ rơi như domino, giá hiện đang về lại mức trước đại dịch, làm gia tăng rủi ro rằng nhóm đầu cơ vàng lớn nhất sẽ bắt đầu cảm thấy ‘đau đớn’ trong giai đoạn Fed ‘diều hâu’".

Vàng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không có lãi suất.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/usd-giam-do-ban-chot-loi-euro-va-bitcoin-hoi-phuc-manh-20220716064351443.chn

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/usd-giam-do-ban-chot-loi-euro-va-bitcoin-hoi-phuc-manh-a170.html