CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã chứng khoán: VNS) sáng 25/7 đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Sau quý I vừa rồi ngắt mạch 8 quý thua lỗ liên tiếp, Vinasun tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.
Theo đó, doanh thu của Vinasun đạt gần 250 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinasun đạt 87,4 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm trước vẫn âm hơn 27 tỷ đồng.
Các khoản chi phí đều giảm giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinasun cũng đạt 53,7 tỷ đồng, trong khi quý II liền trước lỗ gần 75 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, Vinasun ghi nhận lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, gấp 5 lần so với quý đầu năm. Cùng kỳ năm trước, Vinasun vẫn còn đang lỗ lỗ 66,6 tỷ đồng.
Giải trình việc kết quả kinh doanh biến động tích cực, lãnh đạo Vinasun cho biết: "Anh em lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe đã được đi vào hoạt động (không còn xe nằm bãi), các chi phí đã được tiết giảm hợp lý".
Theo kế hoạch đặt ra, dự kiến trong năm nay, hãng taxi truyền thống này sẽ đầu tư khoảng 156 xe, thanh lý và bán trả chậm cho lái xe dưới hình thức kinh doanh thương quyền khoảng 506 chiếc. Phát triển xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài 150 chiếc. Qua đó, nâng số xe thực hiện hợp tác kinh doanh đến cuối năm 2022 là 900 chiếc, tổng số xe hoạt động kinh doanh lên 2.621 chiếc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinasun cũng nhận định dịch Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động giao thương của nền kinh tế đã phục hồi trở lại, tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của công ty.
Lũy kế nửa đầu năm 2022, Vinasun đạt doanh thu thuần 411 tỷ đồng, tăng so với mức 371 tỷ đồng nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của Vinasun là 69,3 tỷ đồng. Đây là con số khả quan, nhất là khi đặt cạnh khoản lỗ gần 97 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2021.
Tình hình kinh doanh cải thiện đáng kể của Vinasun đã góp phần lớn đến đà tăng của cổ phiếu này trong những phiên giao dịch gần đây. Dù chỉ số chung VN-Index cũng như toàn thị trường giảm mạnh từ đầu năm, song cổ phiếu VNS lại tăng so với đầu năm 2022, phiên giao dịch hôm nay VNS cũng tăng kịch trần.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá cổ phiếu VNS dừng ở mức 13.350 đồng/cổ phiếu. Mã này bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 18/4 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm liên tiếp là con số âm. Nếu không xuất hiện yếu tố xấu bất thường trong nửa cuối năm, Vinasun hoàn toàn có khả năng thoát án hủy niêm yết bắt buộc sàn HoSE.
Vinasun từng là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần taxi tại các tỉnh phía Nam cho đến khi dịch Covid-19 xuất hiện. Công ty cho biết khó khăn đầu tiên phải đối mặt là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp cả ở trong nước và quốc tế, khiến các tuyến vận tải hành khách quốc tế tiếp tục đóng băng (ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân về nước), trong khi nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức thấp.
Khó khăn nữa là giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng. Nhiên liệu là chi phí quan trọng trong cấu trúc chi phí của Vinasun, chiếm 20-25% giá vốn. Do vậy, xu hướng tăng giá sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của công ty. Khó khăn thứ ba mà Vinasun phải đổi mặt đến từ các hãng taxi công nghệ. Thực tế, đây không phải là khó khăn mới, mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Tại thời điểm cuối quý II/2022, tổng tài sản của Vinasun ghi nhận gần 1.504 tỷ đồng, giảm khoảng 67 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6/2022 ghi nhận hơn 230 tỷ đồng, trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 141 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2022, công ty có tổng 2.034 nhân viên.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/khong-con-xe-phai-nam-bai-vinasun-bao-lai-lon-a1438.html