Trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng các mẫu xe "độc nhất vô nhị" do các hãng xe tùy biến cho người dùng ngày một nhiều - Ảnh minh họa: Road and Track
Vào năm 2020, phân nhánh Q của Aston Martin công bố siêu xe tùy biến độc nhất vô nhị có tên Victor tại Anh.
Victor sử dụng khung thân đơn khối và động cơ từ siêu coupe giới hạn, nhưng đã qua chỉnh sửa một chút với trái tim V12 nay có công suất 848 mã lực. Hộp số cũng đổi từ loại tự động có lẫy chuyển số gắn vô lăng về hộp số sàn 6 cấp kèm cần gạt truyền thống.
Bộ khung ngoài xe sử dụng hàng loạt trang bị sợi carbon lấy cảm hứng từ các dòng xe đua thập niên 1970 của Aston Martin, điển hình là chiếc "The Muncher" lấy nền tảng từ DBS.
Trên thực tế, Aston Martin không xa lạ gì với quy trình tùy biến xe, thậm chí nền tảng của họ từ năm 1913 do Robert Bamford và Lionel Martin xây dựng cũng có nguồn gốc này.
Theo Marek Reichman, giám đốc sáng tạo kiêm phó chủ tịch điều hành Aston Martin hiện tại, họ "khởi đầu quá trình cá nhân hóa và tùy biến những chiếc xe đã có sẵn trên thị trường" bằng cách lấy khung gầm xe sẵn có, làm chúng nhẹ hơn, nâng cấp hệ truyền động và khoác lên trên lớp áo là khung thân mới.
"Họ lấy một thứ sẵn có, bỏ công sức, tài năng và tâm huyết vào và thay đổi chúng để tốt đẹp hơn".
Khách hàng của Aston Martin khi đó chuộng phong cách này và giờ trào lưu trên đã quay trở lại sau khi biến mất vào giữa thế kỷ 20. Các mẫu xe có giá trị lên tới 7 - 8 chữ số xuất hiện ngày một nhiều. Sản lượng của chúng có thể rơi vào mức hàng trăm, hàng chục và đôi khi là độc nhất vô nhị.
Vậy, điều gì đã khiến tùy biến xe trở lại và mạnh mẽ hơn bao giờ hết?
Rolls-Royce Boat Tail - mẫu xe đắt giá nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, là xe tùy biến với 3 chiếc cá nhân hóa "tận răng" - Ảnh minh họa: Road and Track
Trên thị trường xe hiện tại, các hãng xe sản xuất một dòng sản phẩm dựa trên thiết kế sẵn có, công nghệ sẵn có và người dùng, nếu muốn cá nhân hóa chiếc xe của mình, chỉ có khả năng tô điểm thêm một chút lên bộ khung sẵn có.
Vào thập niên 1920 - 1930, công đoạn trên hoàn toàn ngược lại. Các hãng xe và cả khách hàng của họ có một sự tự do nhất định để tạo ra một chiếc xe có cá tính riêng biệt nhất, khi trên thị trường không có một bộ khung được định hình sẵn.
"Đỉnh cao của sự sang trọng là sở hữu một chiếc xe độc nhất vô nhị trên toàn cầu", kỹ sư trưởng của Cadillac là Brandon Vivian chia sẻ quan điểm của mình.
Cadillac hiện mong muốn hồi sinh mảng tùy biến xe đã phần nào nguội đi trong những năm qua của mình (ngoại trừ chiếc The Beast danh tiếng luôn gắn liền với các đời tổng thống Mỹ) với chiếc sedan điện Cadillac có giá trị 200.000 USD/xe nhắm tới mục tiêu cạnh tranh Rolls-Royce Ghost.
Việc cho phép các khách hàng tùy biến xe cá nhân cũng giúp tạo mối liên hệ tốt hơn giữa người và xe. Họ có tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định chiếc xe của mình ra sao, có mối quan hệ chặt chẽ hơn với hãng (điều mà phía ngược lại cũng mong muốn) và có thể trải nghiệm những yếu tố không nhiều người được hưởng.
Lấy ví dụ, khách hàng bỏ tiền mua xe tùy biến có thể trò chuyện với lãnh đạo, giám đốc hay studio thiết kế hãng, có thể hiểu thêm về phong cách hay quy trình làm việc phía sau những chiếc xe mình yêu quý.
"Họ muốn hiểu hành trình mà chiếc xe của mình phải trải qua để thành hình và muốn là một phần trong đó", giám đốc điều hành phân nhánh McLaren Special Operations Ansar Ali chia sẻ.
Việc có những câu chuyện thú vị có thể kể lại cho người khác, chẳng hạn một cuộc trò chuyện với lãnh đạo hãng, cũng khiến nhiều người thích thú không kém gì sản phẩm cuối cùng họ nhận được.
Các hãng xe không còn cần đẩy mạnh doanh số để thu lợi nhuận lớn (nhất là trong bối cảnh sản xuất đình trệ vì chuỗi cung ứng như hiện nay), thay vào đó họ chỉ cần tùy biến xe - Ảnh minh họa: Road and Track
Ở chiều ngược lại, các hãng xe cũng có nhiều điều có thể học hỏi từ khách hàng, chẳng hạn các yêu cầu "độc, dị" do người dùng nghĩ ra có thể được hãng áp dụng phổ thông hơn.
Việc thị trường dần chuyển đổi sang xe điện là một yếu tố khiến xe tùy biến trở lại. Theo Ali, "một số khách hàng trao đổi với chúng tôi rằng họ muốn những chiếc xe độc đáo nhất còn chạy động cơ trước khi chúng biến mất vì xe điện".
Dù vậy, yếu tố số 1 khiến xe tùy biến trở lại không gì khác ngoài tiền. Bất chấp đại dịch COVID-19, số tiền mà giới siêu giàu bỏ ra cho xe siêu sang lại tăng chứ không giảm trong 18 tháng qua. Cả Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini hay Ferrari đều đạt doanh số kỷ lục trong giai đoạn này với các mẫu xe "phổ thông" của họ đều "cháy hàng", còn xe đặc biệt thậm chí bán hết trước cả khi ra mắt.
Những người có tiền mà không thể mua xe hay không muốn chờ đợi cho một chiếc xe sang "phổ thông" chọn tùy biến làm giải pháp. Họ không cần quan tâm (hoặc rất ít) tới số tiền mình phải bỏ ra, miễn là những gì thu về tương xứng trong suy nghĩ. Bên cạnh đó, cần nhớ rằng các mẫu xe hiếm có thể bán lại với giá trị ít nhất ngang hàng xe mới hay thường thấy nhất là với số tiền cao hơn 50 - 100%.
Theo Michael Dean - một nhà phân tích thị trường xe sang đang hợp tác với tờ Bloomberg, một chiếc xe tùy biến cho khách hàng có tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu lên tới 70 - 80%, vậy nên tất nhiên chẳng hãng xe nào ngần ngại khi khách yêu cầu.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cach-cac-hang-xe-sang-hot-bac-ma-khong-can-ban-nhieu-xe-a12298.html