Chứng khoán FPT muốn vay ACB 1.000 tỷ đồng

Mục đích Chứng khoán FPT vay vốn nhằm bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, bổ sung vốn lưu động chi trả chi phí vận hành, hoàn vốn cho các giao dịch mua/đầu tư trái phiếu Chính phủ.

HĐQT CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - HoSE: FTS) vừa thông qua việc vay vốn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và cầm cố thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng.

Cụ thể, Chứng khoán FPT sẽ vay ngắn hạn Ngân hàng ACB 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức vay vốn tín chấp là 500 tỷ đồng và hạn mức vay vốn có tài sản đảm bảo là 500 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm gồm các hợp đồng tiền gửi tại ACB, hợp đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác ACB nhận làm tài sản bảo đảm, giấy tờ có giá do ACB hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành, trái phiếu chính phủ.

Mục đích vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động chi trả chi phí vận hành như trả lương nhân viên, chi phí hoạt động vận hành, mua trái phiếu chính phủ; hoàn vốn cho các giao dịch mua/đầu tư trái phiếu Chính phủ; mua trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành; bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Thời hạn vay tối đa của mỗi khế ước nhận nợ là 6 tháng, riêng với mục đích bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, thời hạn vay tối đa của mỗi khế ước nhận nợ là 3 tháng.

Chứng khoán FPT muốn vay ACB 1.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Thời điểm cuối quý III/2024, nợ phải trả của Chứng khoán FPT ở mức 4.741 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài quý III/2024 vừa công bố, nợ phải trả của Chứng khoán FPT ở mức 4.741 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn của công ty lại tăng tới 1.195 tỷ đồng lên 4.343 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nguồn vốn.

Hiện Chứng khoán FPT vay VIB 650 tỷ đồng, Techcombank 355 tỷ đồng, VietinBank 630 tỷ đồng, MSB 500 tỷ đồng, VPBank 600 tỷ đồng, ACB 300 tỷ đồng, Vietcombank 450 tỷ đồng và 760 tỷ đồng các cá nhân khác trong nước.

"Thủ phạm" khiến lợi nhuận của Chứng khoán FPT giảm hơn một nửa

Về tình hình kinh doanh, Chứng khoán FPT ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 224,6 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.

"Thủ phạm" chính kéo lùi kết quả kinh doanh của công ty là lãi từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm tới 97%, từ 101,3 tỷ đồng cùng kỳ xuống vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng ở kỳ này.

Bên cạnh mảng tự doanh, doanh thu môi giới của Chứng khoán FPT cũng sụt giảm gần một nửa xuống 56,5 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là điểm sáng với gần 153 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Kết quả, Chứng khoán FPT ghi nhận lãi sau thuế giảm 56% xuống 80,6 tỷ đồng. Theo giải trình của FPTS, đà giảm này do công ty áp dụng nhiều chính sách miễn giảm phí giao dịch và lãi vay ký quỹ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán FPT ghi nhận 829 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 408 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 9% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/chung-khoan-fpt-muon-vay-acb-1000-ty-dong-a116830.html