Gen Z có thể làm 2 đến 3 việc cùng lúc
Trong một khảo sát của Công ty Deloitte, có đến 46% Gen Z và 37% Gen Y đang làm thêm một công việc bán thời gian khác bên cạnh công việc chính. Thậm chí, một số người còn làm song song 2 công việc toàn thời gian.
Sở dĩ, xu hướng này đã trở nên quen thuộc vì lương tháng văn phòng cơ bản không thể đáp ứng chi phí sinh hoạt của Gen Z ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.
Với tình trạng lạm phát như hiện tại, đặc biệt là sau cơn bão Yagi vừa rồi, thị trường giá cả miền Bắc đã có những thay đổi đáng kể, Gen Z không thể nào không lo lắng khi lương chẳng tăng hay tăng không đáng kể.
Đỗ Thành Công (22 tuổi, kinh doanh tự do) cho rằng mức lương trung bình hiện tại ở Hà Nội cho nhân viên văn phòng, lao động phổ thông là 7,5 triệu - 9 triệu đồng/tháng. Sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt cơ bản cho một người chưa có gia đình như tiền nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe thì cũng chỉ còn lại 500.000 - 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, với áp lực cuộc sống từ việc phải thành công, phải mua nhà mua xe ép Gen Z lao ra ngoài làm thêm một đến vài công việc tay trái. Khi quyết định làm thêm việc tay trái sẽ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe và các mối quan hệ.
“Hiện tại mình đang làm 3 công việc 1 ngày, bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 10h tối. Hầu như không có thời gian đi cà phê hay đi chơi, nhiều lúc còn không có thời gian để ăn. Làm việc như vậy chắc chắn rất mệt, mình đã từng thấy rất kiệt sức nhưng rồi nghỉ ngơi xong thì vẫn phải tiếp tục trở lại với guồng quay”, Công tâm sự.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Nam Vũ (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho rằng việc lựa chọn 2-3 công việc đầu tiên sẽ là phục vụ về vấn đề chi tiêu, tài chính. Nam cảm thấy an toàn khi mà có thể làm ra nhiều tiền và tiết kiệm được.
“Mình cũng tiếp xúc với nhiều người, khi được nghe về thu nhập cao của họ thì bản thân cũng muốn cố gắng để không phải thua kém ai. Nó như kiểu áp lực đồng trang lứa nhưng điều này giúp mình có động lực để phát triển hơn”, Nam chia sẻ.
Hơn nữa, anh chàng Gen Z cũng nghĩ tuổi trẻ thì nên bươn chải và chịu khó một chút. Bản thân Nam không thích đi làm về rồi cứ để thời gian trống không vì thời gian chính là tiền bạc.
Tuy nhiên, Nam cũng không phủ nhận những “mặt trái” của lựa chọn làm nhiều việc cùng lúc. Theo anh chàng, vấn đề chủ yếu vẫn là sức khỏe và điều này có thể cải thiện bằng cách ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ và tập thể thao vào cuối tuần.
"Burn out" - hội chứng kiệt sức ở người trẻ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, "burn out" là "hội chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc". Đồng thời, đây là hiện tượng “chỉ liên quan đến việc làm và không nên được dùng để mô tả tình trạng (tương tự) trong các lĩnh vực đời sống khác.”
Hội chứng này được biểu hiện dưới nhiều phương thức khác nhau. Về thể chất, người mắc hội chứng này sẽ cảm thấy rã rời, mệt mỏi, thường xuyên đau đầu đau cơ, thói quen ăn uống thất thường hoặc biếng ăn, chất lượng giấc ngủ suy giảm, hay ốm đau vì sức đề kháng kém.
Về cảm xúc, các dấu hiệu như luôn trong trạng thái nghi ngờ bản thân, thất bại và thua cuộc, cảm thấy không ai hiểu mình, cô đơn và thậm chí nghĩ là mọi người chống lại mình và không còn động lực để làm việc.
Từ đó biểu hiện những hành vi bên ngoài như luôn muốn trốn tránh trách nhiệm với công việc, thường xuyên trì hoãn và mất nhiều thời gian hoàn thành công việc, đối phó áp lực bằng cách dùng chất kích thích hoặc đồ ăn nhanh, không muốn tiếp xúc, trút bực tức lên người khác và trốn tránh công việc bằng cách đi muộn về sớm.
So với các thế hệ trước như Gen X, Gen Y thì Gen Z may mắn được sinh ra và nuôi dưỡng trong điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, chính việc thừa hưởng những điều kiện tốt hơn từ thế hệ trước cũng khiến Gen Z gặp rất nhiều áp lực và khó khăn.
Gen Z có tỉ lệ học thức cao hơn rất nhiều, điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, Đặc biệt, họ cũng là thế hệ tham gia lực lượng lao động trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế và xung đột chính trị nên dễ bị mắc hội chứng này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng: “Mong muốn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, có thể tạo ra một nghịch lý dẫn đến kiệt sức.
Tuy nhiên, nhiều nơi làm việc vẫn tuân thủ các mô hình truyền thống ưu tiên năng suất hơn là sức khỏe của nhân viên. Giờ làm việc dài, khối lượng công việc không thực tế, thiếu linh hoạt có thể góp phần gây ra cảm giác choáng ngợp và kiệt sức ở những nhân viên Gen Z.”
Theo bà Thu, do công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội phát triển nhanh, sự kết nối liên tục này có thể dẫn đến tâm lý "luôn bật" đã làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Từ đó, khiến Gen Z khó nạp lại năng lượng và phục hồi, cuối cùng dẫn đến kiệt sức.
Nói về giải pháp, TS.BS Trần Thị Hồng Thu đề xuất các cơ quan tổ chức, các cơ sở giáo dục cần nuôi dưỡng văn hóa hạnh phúc, thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời cung cấp các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt, cần triển khai các sắp xếp công việc linh hoạt, khuyến khích nghỉ giải lao thường xuyên và thúc đẩy giao tiếp cởi mở, ưu tiên việc chăm sóc bản thân và phục hồi sức khỏe.
Thanh Loan
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vao-doi-thoi-diem-kho-khan-gen-z-co-dang-bi-kiet-suc-a116543.html