Ngành giáo dục, đặc biệt là mảng đào tạo đại học, đang dần trở thành một thị trường hấp dẫn, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn. Đây được coi là "mỏ vàng" trong lĩnh vực kinh doanh giáo dục, nơi tiềm năng phát triển không chỉ đến từ nhu cầu ngày càng cao của xã hội về trình độ học vấn mà còn từ việc mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ liên quan đến giáo dục.
Thị trường này vì thế trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, đồng thời cũng đi kèm với không ít tranh luận và thách thức về chất lượng, minh bạch và sự cạnh tranh.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học phải thực hiện báo cáo "Ba công khai" nhằm minh bạch hóa thông tin, bao gồm cả các chỉ số tài chính. Từ đây, quy mô doanh thu khổng lồ của một số trường đại học được lộ diện, với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm – không thua kém các tập đoàn lớn trong các ngành khác.
Nguồn thu của các trường đại học chủ yếu đến từ nhiều nguồn đa dạng như ngân sách nhà nước, học phí sinh viên, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, và các nguồn thu khác…
Doanh thu top đầu các trường đại học
Theo tổng hợp của Người Đưa Tin dựa trên báo cáo công khai năm học 2023-2024, có 9 trường đại học đạt doanh thu từ nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó bao gồm 6 trường đại học công lập và 3 trường đại học tư thục.
Các trường công lập có doanh thu nghìn tỷ là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Tp.HCM.
Trong khối tư thục, 3 trường thu trên nghìn tỷ đồng là Trường Đại học FPT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, và Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech). Đáng chú ý, Trường Đại học FPT dẫn đầu về tổng thu, đạt gần 2.920 tỷ đồng, tăng 41% so với năm học trước.
Trường Đại học FPT được thành lập ngày 8/9/2006 theo Quyết định số 208/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009. Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT là ông Lê Trường Tùng và Hiệu trưởng là ông Nguyễn Khắc Thành.
Trường có cơ sở chính tại Hà Nội và 4 phân hiệu tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, và Bình Định. Chi phí đào tạo trung bình một sinh viên tại đây là 69,6 triệu đồng/năm.
Học phí dự kiến năm 2024 của Trường Đại học FPT sẽ khác nhau tùy theo địa điểm đào tạo. Khi nhập học, sinh viên phải đóng học phí kỳ định hướng và một mức tiếng Anh chuẩn bị.
Theo đó, tại các cơ sở ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Định, học phí kỳ định hướng dành cho sinh viên mới nhập học là 11,9 triệu đồng. Học phí cho các khóa tiếng Anh chuẩn bị, được chia thành 6 mức tùy theo trình độ, là 11,9 triệu đồng/mức. Đối với học phí chuyên ngành, từ học kỳ 1 đến học kỳ 3 là 28,7 triệu đồng/kỳ, từ học kỳ 4 đến học kỳ 6 là 30,5 triệu đồng/kỳ, và từ học kỳ 7 đến học kỳ 9 là 32,5 triệu đồng/kỳ.
Trong khi đó, tại phân hiệu Cần Thơ, học phí kỳ định hướng là 8,33 triệu đồng và học phí tiếng Anh chuẩn bị là 8,33 triệu đồng/mức. Học phí chuyên ngành ở đây từ học kỳ 1 đến học kỳ 3 là 20,09 triệu đồng/kỳ, từ học kỳ 4 đến học kỳ 6 là 21,35 triệu đồng/kỳ, và từ học kỳ 7 đến học kỳ 9 là 22,75 triệu đồng/kỳ.
Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học FPT năm 2024
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học FPT dự kiến tuyển sinh 14.339 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo, bao gồm: Ngôn ngữ Anh (354 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Nhật (97 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Hàn Quốc (115 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Trung Quốc (100 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (3.668 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (9.327 chỉ tiêu), và Công nghệ truyền thông (678 chỉ tiêu).
Trong chương I của Đề án tuyển sinh năm 2024, trường đã thống kê kết quả khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp, áp dụng cho các ngành đào tạo và dựa trên khảo sát của năm liền kề trước. Đây là con số luôn thu hút sự chú ý của sinh viên và phụ huynh.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/doanh-thu-nghin-ty-cua-truong-dai-hoc-fpt-a115773.html