Xuất khẩu sang Nhật và EU ổn định
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Tháng 6, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1%, đạt gần 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Hoa Kỳ, EU chững được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán; hậu quả Covid-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.
Trong Top 4 thị trường chính của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, xuất khẩu sang Trung Quốc không tăng trưởng mạnh như tháng trước đó trong khi xuất khẩu sang Nhật và EU vẫn ổn định.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ ghi nhận tăng trưởng tốt từ đầu năm tới tháng 4, tháng 5 xuất khẩu bắt đầu chững và giảm tương đối mạnh trong tháng 6. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt trên 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 483 triệu USD, tăng 10%.
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững. Nhu cầu thị trường Hoa Kỳ được dự báo tăng nhẹ sau tháng 9 để phục vụ cho nhu cầu của Lễ hội cuối năm.
Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này khá ổn định trong nửa đầu năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng dương liên tục dao động từ 6%-23%. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn duy trì ổn định từ nay đến cuối năm. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như tới Hoa Kỳ, EU; mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng cao tại Hoa Kỳ, EU. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản.
Tương tự thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang thị trường EU khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 6 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 37% đạt trên 74 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu sang thị trường này đạt 378 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ.
Nhu cầu tại EU hồi phục sau Covid-19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các doanh nghiệp Việt tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này. Trong bối cảnh lạm phát giá, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU.
Đối với thị trường Trung Quốc, sau khi tăng mạnh 3 con số 125%-140% từ tháng 3 đến tháng 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 tăng 32% đạt gần 58 triệu USD. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 84%. Thị trường này được đánh giá có nhu cầu tiêu thụ tốt từ nay đến cuối năm.
Cần vượt nhiều thách thức 6 tháng cuối năm 2022
Nhận diện các thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2022, tại công văn mới đây VASEP gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.
VASEP cho biết, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới Tp.Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.
Vấn đề thứ 2 được VASEP đề cập đó là 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.
Bên cạnh đó, VASEP cũng nhận định, lạm phát toàn cầu đẩy giá đầu vào “phi mã”, dịch bệnh Covid-19, căng thẳng Nga-Ukraine chưa vãn hồi... tiếp tục là những trở ngại ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Đặc biệt, lạm phát tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu (EU) và sự mất giá của đồng Euro sẽ khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút. Hơn nữa, sự mất giá của đồng tiền này cũng khiến người dân có xu hướng dè sẻn hơn trong chi tiêu, ảnh hưởng đến doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP nhận định: Tại Mỹ, lượng thủy sản được tiêu thụ, trong đó có cá tra đang có dấu hiệu chững. Nguyên nhân một phần bởi lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu...
Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang nỗ lực cơ cấu lại, tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý và tiết kiệm hơn để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022.
"Mỹ, EU, Trung Quốc và khối thị trường CPTPP vẫn là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2022", bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/xuat-khau-tom-du-kien-dat-42-ty-usd-trong-nam-2022-a1122.html