Ngày 28/8, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các trường hợp bị rắn độc cắn phải đi cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.
Trong đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Tp.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, tiếp nhận người bệnh D.V.D., 47 tuổi. Anh D. nhập viện trong tình trạng đau buốt và sưng nề bàn tay, cẳng tay phải.
Người bệnh cho biết, trước khi vào viện khoảng 1 giờ, đang trên thuyền đi biển thì bất ngờ bị một con rắn (không rõ loại) cắn vào cổ tay phải. Bệnh nhân nhanh chóng buộc ga-rô phía trên vết cắn, cánh tay đau nhiều, phù nề lan từ bàn tay đến cẳng tay, khuỷu tay.
Người bệnh thứ 2 là anh N.H., 31 tuổi, nhập viện do bị rắn cắn vào đốt 3 ngón 2 bàn tay phải. Những người đi cùng người bệnh đã đánh chết con rắn và mang theo đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định là rắn hổ mang chì.
Cả 2 bệnh nhân được làm các xét nghiệm cấp cứu, nhập Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, điều trị theo phác đồ rắn độc cắn của Bộ Y tế. Sau khoảng 1 tuần, cả 2 người bệnh hồi phục và xuất viện.
Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tiếp nhận bệnh nhân L.Đ.T, 62 tuổi, nhập viện trong tình trạng chảy máu cổ chân phải do rắn cạp nong cắn khi ra thăm ruộng buổi tối. Người bệnh được các y, bác sĩ khám, rửa vết thương, truyền dịch, giảm đau, chống viêm, làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng. Sau 1 ngày theo dõi, chăm sóc và điều trị, sức khỏe của người bệnh ổn định.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển ở Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ lần đầu sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn cứu sống một phụ nữ 59 tuổi bị rắn lục cắn. Đây là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.
Trước đây, những người bị rắn hổ mang, rắn lục cắn, bệnh viện thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội điều trị vì không có huyết thanh kháng nọc rắn. Đến nay Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã triển khai điều trị huyết thanh kháng nọc ở một số loại rắn thường gặp như rắn lục, rắn hổ mang.
Theo các bác sĩ, sai lầm lớn nhất của người bị rắn cắn là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp mới đến các cơ sở y tế.
Khi bị rắn cắn, người dân không nên dùng miệng hút nọc độc của rắn hay trích, rạch vùng vết cắn, sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo…
Cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn là bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Đồng thời, cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
Băng ép bất động chỉ sử dụng khi bị rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, một số giống rắn hổ mang thường cắn. Không sử dụng băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/quang-ninh-nhieu-nguoi-nhap-vien-vi-bi-ran-doc-can-a112071.html