Nghìn lẻ cách gian lận
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử được xem là xu hướng mua sắm đa kênh, tiện lợi, đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ và Việt Nam hiện cũng đang nằm trong tốp 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so năm 2020) và có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 sẽ có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay và đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600USD/năm thông qua mua sắm online.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là "miếng bánh” béo bở để các đối tượng lợi dụng các kẽ hở trong kiểm soát của các sàn thương mại điện tử hoặc trong khâu vận chuyển để kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu hòng trục lợi.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14 nghìn sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng, trong đó, sáu tháng đầu năm 2022, đã kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ vi phạm, xử phạt hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng với các hành vi vi phạm do kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh đánh giá, tình trạng gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó, khiến việc phát hiện các vi phạm của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên các trang web thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram,...
Ngoài ra, sau nhiều đợt truy quét quyết liệt, hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn, kho hàng ở nhiều khu vực khác nhau, gây khó trong việc theo dõi, triệt phá. Nguy hiểm nhất là việc một số đối tượng tìm cách đưa hàng hóa nhập lậu, hàng cấm vào Việt Nam để tiêu thụ thông qua hình thức vận chuyển quốc tế, do tính chất của thương mại điện tử là không có biên giới.
Vì vậy, Tổng cục đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường ở địa phương tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử phù hợp tình hình hiện nay. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nhằm tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trước tình trạng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo người tiêu dùng đang ngày càng phổ biến tại các sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo 3 thủ đoạn chiếm đoạt tài sản đang tác động xấu đến người tiêu dùng cũng như hoạt động thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho". Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động.
Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua.
Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến.
Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn thương mại điện tử với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.
Ngoài ra, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển đến địa chỉ người mua. Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hoặc vật phẩm không có giá trị.
Đặc biệt, khách hàng thường sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng. Bên cạnh đó, không ít khách hàng vẫn cho rằng đây là sản phẩm đặt mua trên sàn thuơng mại điện tử nên vẫn tiến hành thanh toán bình thường khi nhận hàng.
Tuy nhiên, giao dịch này nằm ngoài phạm vi của các sàn thương mại điện tử nên không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm bởi hệ thống các sàn thương mại điện tử không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại.
Không những thế, có những trường hợp đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn thương mại điện tử hỗ trợ đổi trả đơn hàng đã đặt trên các sàn thương mại điện tử trước đó.
Lợi dụng sơ hở này, các đối tượng sẽ hứa thu hồi và hoàn tiền, đền tiền gấp 3 lần và tư vấn người tiêu dùng bấm vào link lừa đảo. Mặt khác, các đối tượng còn đề nghị cung cấp số điện thoại, tên định danh, chi tiết thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu và/hoặc OTP) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thông thường, nội dung người tiêu dùng nhận được qua tin nhắn hoặc điện thoại sẽ là “bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình nào đó" hoặc "bạn là khách hàng thân thiết”…Tuy nhiên, sau khi khách hàng tiếp nhận thông tin, các đối tượng này sẽ yêu cầu phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.
Một phương thức lừa đảo khác cũng đang phổ biến hiện nay là các đối tượng sẽ gửi tin nhắn hoặc đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin trôi nổi tập trung vào việc giả mạo là nhân viên, nhân sự cấp cao các sàn thương mại điện tử để lừa đảo tuyển dụng.
Ngoài ra, nhằm trục lợi thông tin cá nhân cũng như mục đích không tốt khác, các đối tượng còn gửi tin nhắn yêu cầu kết bạn trên ứng dụng thông tin khác.
Làm sao để bảo vệ người tiêu dùng?
Hiện nay, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam... Ngoài ra, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, cũng đã bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, khung pháp lý cho thương mại điện tử cơ bản đã tương đối đầy đủ, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý cũng như đấu tranh chống hàng giả trong thương mại điện tử và góp phần minh bạch thị trường thương mại điện tử. Điều này giúp công tác chống hàng giả có căn cứ và hiệu quả, minh bạch.
Thực tế cho thấy, đây chỉ là những vụ việc điển hình mà lực lượng chức năng đã triệt phá. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy rõ, tinh thần cương quyết đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng quyết liệt và có hiệu quả.
Vì vậy, việc đề cao hơn nữa trách nhiệm của chủ sàn cũng như quy định rõ ràng những thông tin mà các doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử phải khai báo sẽ là cơ sở để giải quyết các tranh chấp.
Để “gỡ vướng” cho hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử; xây dựng bộ tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các cơ sở pháp lý nhằm kiên quyết đẩy lùi vấn nạn này trên thương mại điện tử.
Theo ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán đều phải công khai mã số thuế và cung cấp đầy đủ thông tin, có các công cụ định danh xác thực khách hàng điện tử (eKYC), chụp ảnh chứng minh thư... để xác minh thông tin từ người bán.
Thế nhưng, do chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút nhiều người bán trên sàn thương mại điện tử, các sàn chưa làm chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái cũng như lợi dụng kẽ hở để lừa đảo người tiêu dùng.
Để kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; ký cam kết với các sàn thương mại điện tử lớn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đưa lên sàn các sản phẩm nhập lậu, hàng giả.
Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử.
Trong đó, tập trung phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động quảng cáo, giới thiệu, vận chuyển, giao nhận hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Dự báo trong hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50% đến 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Vì vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là hết sức quan trọng, đòi hỏi sự quyết liệt, phối kết hợp giữa các ngành chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, giải quyết triệt để. Bởi các vi phạm trong lĩnh vực này có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi, che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực...
Trong khi thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề nghị trích xuất các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an.
Có thể nói, cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu trên sàn thương mại điện tử không chỉ giải quyết ngày một ngày hai. Tuy nhiên, để công tác này có sự chuyển biến căn bản, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò quyết định.
Bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, có ý thức tố giác tội phạm, không tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Mặc dù vậy, chủ công vẫn là các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, hải quan nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các vi phạm. Các lực lượng này cần tăng cường trao đổi, phối hợp để có những đề xuất, giải pháp hỗ trợ, nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử trong thời gian tới.
Tuệ Minh (tổng hợp)
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/thuong-mai-dien-tu-bung-no-xu-the-tat-yeu-va-la-chan-chong-buon-lau-lua-dao-a1065.html