TP.HCM có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với gần 1.500 doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều khu đã có tuổi thọ từ 20-30 năm. Do đó, Thành phố đang xây dựng Đề án: Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Vấn đề này cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Hiện nay, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất này mỗi năm đóng góp 2/3 kim ngạch xuất khẩu cho Thành phố. Theo quy hoạch Thành phố sẽ có 23 khu công nghiệp với diện tích trên 7.000 ha, nhưng đến nay chỉ có 2.700 ha diện tích lắp đầy nhà máy công nghiệp. Trong đó, có khu chế xuất như Khu chế xuất Tân Thuận, một mô hình khu chế xuất đầu tiên và điển hình của cả nước tuổi thọ đã 30 năm. Do tốc độ phát triển đô thị nhanh nên nhiều khu vực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở thành những khu đô thị đông dân cư và mật độ giao thông cao.
Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, sau này nên chuyển đổi công năng của một số khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó Khu chế xuất Tân Thuận nên chuyển sang khu dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao... Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế thì Thành phố nên duy trì sản xuất công nghiệp theo hướng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho rằng, với hướng phát triển này, Thành phố sẽ tận dụng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao ở đây. Đồng thời, Thành phố dù có phát triển trung tâm tài chính quốc tế thì sản xuất công nghiệp công nghệ cao vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế.
"Hiện nay, xu hướng tại khu công nghiệp, khu chế xuất là đổi mới công nghệ. Ví dụ như Khu chế xuất Tân Thuận đã có hơn 50% nhà máy là đổi mới công nghệ mới, nhiều nhà máy xếp đã được hạng công nghệ cao. Còn các nhà máy không tiếp tục đổi mới công nghệ thì sẽ bị đào thải, khi tới hạn các công ty đầu tư hạ tầng sẽ cắt hợp đồng không cho tiếp tục đầu tư vì công ty không đầu tư đổi mới công năng theo công nghệ cao" - ông Bé nhấn mạnh.