Theo RT, Andreas Ronken, giám đốc điều hành của hãng socola khổng lồ Ritter Sport của Đức, chia sẻ ông đã nhận được những lời đe dọa đến tính mạng nếu tiếp tục công việc kinh doanh ở Nga, trong bối cảnh xung đột Ukraine. Tuy nhiên, vị CEO này vẫn quyết định ở lại Nga.
Rời khỏi Nga là lựa chọn của nhiều công ty phương Tây. Trên thực tế, nhiều công ty nước ngoài đã cắt đứt quan hệ với Nga sau khi Mátxcơva bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ngược lại, những công ty đi ngược xu hướng của số đông khi chọn ở lại Nga đã bị một số người gây áp lực, thúc giục họ ngừng kinh doanh và thậm chí là trong một số trường hợp còn bị đe dọa tẩy chay tại một số quốc gia.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Focus của Đức vào ngày 30/5 vừa qua, ông Andreas Ronken cho biết tính mạng của ông bị đe dọa, nhưng lại không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
"Quyết định của tiếp tục sản xuất và bán socola ở Nga của chúng tôi là một quyết định đúng đắn và tôi sẽ không thay đổi quyết định. Nga là thị trường lớn thứ hai của công ty chúng tôi. Nếu rời đi, chúng tôi sẽ phải sa thải 200 nhân viên ở cơ sở tại Waldenbuch (Đức)", ông Andreas Ronken nói.
Vị CEO này chia sẻ, công ty của ông đã quyên góp gần 1 triệu euro (khoảng 1,08 triệu USD) từ số tiền kiếm được tại nước Nga vào năm 2023 để viện trợ cho Ukraine. "Chúng tôi chắc chắn không thể đứng ngoài về mặt chính trị được nữa", ông Andreas Ronken nhấn mạnh.
Bởi thực tế ngay từ đầu năm nay, nhóm hoạt động Vitsche của Ukraine đã kêu gọi 2 chuỗi siêu thị của Đức tẩy chay socola Milka chì vì công ty này vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga. Chưa hết, công ty mẹ Mondelez cũng bị Ukraine đưa vào danh sách đen vào năm 2023, trong nỗ lực gây áp lực nhằm buộc "gã khổng lồ" thực phẩm Mỹ phải cắt đứt quan hệ với Mátxcơva.
Những công ty cố bám trụ ở Nga hưởng lợi ra sao?
Dù gặp rất nhiều khó khăn cũng như bị đe dọa, nhưng hơn một nửa số doanh nghiệp nước ngoài từng công bố về kế hoạch rời khỏi Nga (khi bắt đầu xung đột Ukaine) hiện vẫn còn ở lại quốc gia này. Theo tờ Financial Times, chính sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Nga là một yếu tố hấp dẫn khiến các công ty nước ngoài vẫn quyết định bám trụ.
Dữ liệu do Trường Kinh tế Kiev tổng hợp chỉ ra rằng, có khoảng 1.600 công ty đã rút lui hoặc tiến hành cắt giảm hoạt động ở Nga. Tuy nhiên, những doanh nghiệp của Anh như thương hiệu mỹ phẩm Avon hay công ty hàng tiêu dùng Reckitt... nằm trong số 2.173 doanh nghiệp nước ngoài vẫn hoạt động ở Nga, tính đến ngày 5/5/2024.
Đến nay, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ ở Nga là trái ngọt mà những doanh nghiệp phương Tây nhận được khi họ quyết bám trụ ở quốc gia này. Theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan thống kê Rosstat của Nga, trong quý I/2024, GDP của Nga tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024, vượt qua tốc độ tăng trưởng dự kiến của các quốc gia như Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).
Theo Rosstat, tiền lương thực tế tại Nga cũng tăng tới gần 8% vào năm 2023. Đây là mức tăng lớn nhất trong 5 năm.
Trước đó, đầu tháng 5/2025, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt mục tiêu đưa GDP của Nga tính theo sức mua cao thứ 4 thế giới vào năm 2030. Chính phủ Nga đã công bố về loạt biện pháp để chuyển đổi nền kinh tế đất nước và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, chẳng hạn như cải cách lao động, khuyến khích kinh doanh, tăng năng suất và hiệu quả.
Trong cuộc họp chính phủ vào tháng 5, ông Vladimir Putin nói rằng những biện pháp trừng phạt quốc tế không thể cản trở được nền kinh tế Nga và thực tế đã đạt được những kết quả trái ngược với những gì mà phương Tây mong đợi.
Tờ Novaya Gazeta mới đây ghi nhận, tổng lợi nhuận ròng của 100 doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Nga đã kiếm được khoảng 14,4 tỷ USD vào năm 2023 tại quốc gia này. Con số này còn cao hơn nhiều so với năm 2021 (4,2 tỷ USD), trước thời gian xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Bài tham khảo nguồn: RT, Financial Times, Novaya Gazeta