Theo Bộ GTVT, xây dựng công trình giao thông là một trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động chịu nhiều yếu tố bất lợi, rủi ro trong quá trình làm việc.
Những năm qua, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn trong thi công xây dựng; tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn xây dựng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các dự án, công trình giao thông.
Tuy nhiên, tại một số dự án, công trình vẫn còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng công trình, để xảy ra các vụ tai nạn lao động làm hư hỏng một số hạng mục công trình, gây thương vong cho người lao động trên công trường.
Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra một số sự cố gây mất an toàn lao động nghiêm trọng liên quan đến hoạt động xây dựng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tăng cường tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động xây dựng.
Các đơn vị cần kiểm soát chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật, đặc biệt đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng phải được kiểm định kỹ thuật an toàn.
“Cương quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện các vi phạm quy định về an toàn lao động có nguy cơ gây mất an toàn trên công trường xây dựng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với các chủ thể tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình giao thông, Bộ GTVT yêu cầu kiện toàn hệ thống quản lý công tác an toàn xây dựng đảm bảo đủ năng lực theo quy định; quy định trách nhiệm về an toàn xây dựng đến từng bộ phận, tổ, đội và các cá nhân quản lý, trực tiếp thi công, sản xuất.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, các đơn vị cũng phải rà soát các quy định, quy trình, biện pháp an toàn xây dựng; Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn xây dựng tại đơn vị nhằm chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động trên công trường, dự án.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cuong-quyet-dung-thi-cong-du-an-neu-phat-hien-vi-pham-an-toan-lao-dong-a102700.html