Tre luồng Thanh Hóa loay hoay thoát nghèo
Thanh Hóa được biết tới như là thủ phủ của các cây họ tre, luồng với khu vực trồng trải dài khắp vùng miền núi phía Tây nghèo khó của Thanh Hóa. Hàng năm, có khoảng 1 triệu tấn tre, luồng được khai thác, tuy nhiên các nguyên liệu này chủ yếu được khai thác thô với giá trị gia tăng thấp nên chưa thể giúp vùng tre, luồng xứ Thanh thoát nghèo.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 128.000ha rừng tre, luồng, chiếm hơn 50% diện tích trồng tre luồng cả nước. Trong đó, luồng chiếm phần lớn diện tích (60,9%), nứa chiếm 22,7%, vầu chiếm 6,8%, còn lại 9,6% là tre và các loài cùng họ.
Mặc dù là cây trồng được khai thác với số lượng lớn tuy nhiên, các sản phẩm từ tre luồng Thanh Hóa hiện chủ yếu bán thô dùng làm vật liệu xây dựng, hoặc chế biến chủ yếu là đũa, tăm, giấy vàng mã, nguyên liệu giấy, ván ép, nan thanh... Đây là những sản phẩm có giá trị gia tăng chưa cao khiến vùng núi phía Tây của Thanh Hóa vẫn chưa thể thoát nghèo.
Có diện tích luồng tại xã Thiết Ống, Bà Thước, anh Lê Văn Nghĩa cho biết, trung bình mỗi cây luồng chỉ bán được hơn 10.000 đồng, cây to và đẹp cũng chỉ được khoảng 15.000 đồng tại. Đa phần diện tích luồng đều phân bố trên các đồi trùng điệp xa đường lớn nên việc khai thác và vận chuyển phải thực hiện thủ công khó khăn mà không hiệu quả. Vì vậy thu thập hàng năm từ cây luồng cũng chỉ được khoảng 25 - 30 triệu, loanh quanh đủ chi tiêu gia đình.
Tại huyện Quan Hóa, theo thống kê từ UBND xã Nam Xuân là xã có tới 97% trong tổng số 2.563 hộ dân trong xã có diện tích luồng với tổng số hơn 2.000ha nhưng thu nhập bình quân đầu người của xã hiện mới đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm.
Theo UBND huyện Quan Hóa, tại địa phương có tới gần 100% các hộ dân vẫn lệ thuộc vào cây tre luồng. Tuy vậy, tới nay trên địa bàn huyện mới có 6 công ty, 6 HTX và gần 20 hộ cá thể đứng ra chế biến tre luồng. Sản phẩm chủ yếu là đũa tre dùng một lần, tăm hương và vàng mã nên giá trị không cao và cũng mới giải quyết một phần đầu ra cho cây luồng. Phần lớn luồng khai thác còn lại được đầu nậu thu mua đi các tỉnh phía Bắc làm vật trong xây dựng và băm dăm bán nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Giá trị cây luồng trung bình toàn huyện chỉ dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm theo lộ trình còn 2.500 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 23% số hộ toàn huyện.
Tại huyện miền núi Lang Chánh, được mệnh danh là "vua luồng" và có điều kiện giao thông thuận lợi hơn tuy nhiên giá trị đạt được từ cây tre luồng vận chưa cao. Khảo sát trên địa bàn, nhiều xã giá trị canh tác trung bình của tre luồng cũng chỉ đạt khoảng hơn 20 triệu đồng/ha/năm.
Cơ hội thoát nghèo cho tre, luồng Thanh Hóa
Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ tre, luồng là doanh nghiệp, hợp tác xã, với tổng công suất chế biến khoảng 200.000 tấn nguyên liệu/năm, chiếm 16,7% so với sản lượng khai thác luồng trung bình/năm của cả tỉnh, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến là hộ gia đình. Sản phẩm sản xuất, chế biến chủ yếu là đũa, tăm, giấy vàng mã, nguyên liệu giấy, ván ép, nan thanh... nên giá trị thu được từ cây tre luồng chưa cao. Vì vậy nhiều năm qua Thanh Hóa rất quyết tâm thu hút đầu tư, tìm hướng đi mới, hiệu quả cao cho cây luồng xứ Thanh thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Song Hoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tre luồng tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện các sản phẩm tre luồng của tỉnh Thanh Hóa giá trị thấp, dẫn tới thu nhập của người trồng không ổn định. Phần lớn là các sản phẩm chế biến thô, quy mô các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh tre, luồng của tỉnh. Đến 80% sản phẩm chế biến từ tre, luồng là đũa, còn lại là giấy vàng mã, vật gia dụng khác. Vì vậy, mà tỉnh Thanh Hóa rất cần cơ sở sản xuất với công nghệ cao, quy mô lớn tạo ra các sản phẩm tre luồng chế biến tinh, giá trị gia tăng cao.
Giải bài toán thoát nghèo cho cây tre luồng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tích cực tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm thu hút đầu tư và đã thu hút được một số dự án như nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh) của Công ty CP Bamboo King Vina với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng trên diện tích 15 ha, dự án của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BamBoo Vina tại huyện Hà Trung...
Đáng chú ý, mới đây, tín hiệu vui cho ngành tre luồng xứ Thanh khi Thanh Hóa thu hút được dự án lớn với quy mô gần 3.200 tỷ được chấp thuận đầu tư tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước với vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng, công suất 225.000m3 sản phẩm/năm, dự kiến sẽ tiêu thụ 1.000-2.000 tấn tre/ngày tương đương gần một nửa sản lượng tre luồng tại địa phương và dự kiến tạo ra hơn 3.000 việc làm.
Càng phấn khởi hơn khi dự án được thực hiện với sự hợp tác giữa Công ty CP đầu tư Sao Thái Dương với đối tác Công ty staBOO Holdings AG - công ty con của BARD AG tới từ Thụy Sĩ - với ngành nghề chuyên về nội thất cao cấp. Dự kiến khi đi vào hoạt đồng sẽ giúp góp phần chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo tay nghề nhân công địa phương nâng cao giá trị gia tăng từ cây tre và đưa sản phẩm tre luồng của Việt Nam vươn ra thế giới.
"Là người trồng, chúng tôi rất phấn khởi khi có thông tin nhà máy lớn của với sự hợp tác của nước ngoài đầu tư tại địa phương. Chúng tôi hy vọng khi nhà máy đi vào hoạt động chúng tôi sẽ bán được giá hơn cũng như con cháu chúng tôi có cơ hội học hỏi tay nghề từ hoạt động của nhà máy", anh Lê Văn Nghĩa, người dân tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước cho biết.
Ông Lê Quang Huy, Giám đốc phát triển dự án cho rằng, 100% các sản phẩm của nhà máy được sản xuất ra sẽ được xuất khấu ra nước ngoài. Doanh thu dự án khoảng vào khoảng 70 triệu USD mỗi năm. Dự án sẽ vận hành với công nghệ hiện đại và sự giám sát thực hiện của các chuyên gia tới từ đơn vị liên doanh. Dự kiến trong tháng 7 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng, với vùng nguyên liệu ưu tiên địa bàn Thanh Hóa.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, huyện Bá Thước với vị trí địa lý là trung tâm kết nối của các vùng nguyên liệu tre luồng các huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Lang Chánh. Cây luồng chính là nguồn thu nhập, là cuộc sống của phần lớn hộ dân trong huyện. Tuy nhiên, giá trị cây luồng mang lại chưa cao, bình quân thu nhập từ 1 ha rừng luồng của huyện chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng mỗi năm. Vì vậy, dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ từng bước nâng cao thu thập của người dân, đồng thời tạo cú hích thu hút đầu tư của huyện Bá Thước trong thời gian tới.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/cay-tre-thanh-hoa-hao-huc-thoat-ngheo-a102426.html