Trái chiều bức tranh kinh doanh ngành thủy sản

Quý I/2024, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản ghi nhận sự phân hóa rõ nét giữa hai nhóm tôm và cá tra; phản ánh rõ nét những biến động của thị trường.

Sau khi sụt giảm liên tục trong nửa cuối năm 2023, sang quý I/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục nhẹ với mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2 tỷ USD. Xuất khẩu bứt phá mạnh mẽ vào tháng 1 là giai đoạn trước Tết Nguyên đán, nhưng có chiều hướng chững lại trong tháng 2 và tháng 3.

Theo đó, xuất khẩu tôm, cua và cá ngừ có doanh số tăng trưởng tốt trong quý I và có triển vọng tích cực hơn trong năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ. 

Bức tranh xuất khẩu chung của toàn ngành được phản ánh rõ nét qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý, chủ yếu là sự đối lập đến từ hai phía tôm và cá tra.

Doanh nghiệp ngành tôm “bật nhảy tanh tách"

Ghi nhận cơ cấu doanh thu cao nhất trong nhóm doanh nghiệp thủy sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) ghi nhận tình hình kinh doanh bứt tốc ngay trong quý đầu năm 2024. Theo đó, quý I/2024, công ty ghi nhận 2.750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. 

Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý của doanh nghiệp ghi nhận tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 246,4 tỷ đồng. Song, doanh thu tài chính lại ghi nhận giảm 56% xuống còn 16 tỷ đồng.

Ngoài ra, “vua tôm" ghi nhận thêm 37,6 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết liên doanh, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Sau khi trừ các chi phí, Thủy sản Minh Phú báo lãi 7,2 tỷ đồng, tăng đáng kể so với số lỗ 98 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy chỉ đạt 0,7% mục tiêu lợi nhuận đề ra nhưng đây đã là tín hiệu kinh doanh tăng trưởng tích cực của Thủy sản Minh Phú.

Đón nhận tín hiệu từ thị trường, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex; HoSE: FMC) cũng ghi nhận tăng trưởng bất chấp chi phí tăng. Theo đó, quý I/2024 doanh thu thuần của Fimex đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thủy sản là lĩnh vực chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu với 1.425 tỷ đồng, tương đương 97%.

Ở chiều ngược lại, chi phí lãi vay lại ghi nhận tăng mạnh lên 4,1 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Cùng chiều tăng của chi phí lãi vay, các khoản chi phí còn lại của công ty cũng ghi nhận phát sinh đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng ghi nhận 30,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 19,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 29% so với quý I/2023.

Sau khi trừ các chi phí, Thực phẩm Sao Ta báo lãi sau thuế 57,2 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cá tra cài số lùi

Trong khi xuất khẩu cá tra ghi nhận sự sụt giảm nhẹ trong quý I/2024 nhưng doanh thu của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vẫn ghi nhận tín hiệu tăng trưởng với 29%, đạt 2.856 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao nên lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty giảm 30% xuống còn 266 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính đạt 34 tỷ đồng, giảm 62%, phần lớn là do cắt giảm chi phí lãi vay và giảm lỗ chênh lệch tỉ giá hối đoái đã thực hiện.

Sau khi trừ các chi phí, Vĩnh Hoàn báo lãi 169 tỷ đồng, giảm 22% so với quý I/2023. Lý giải lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong quý I/2024 mặc dù doanh thu tăng, Vĩnh Hoàn cho biết do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.

Với loạt chỉ số đi lùi, Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) “hụt hơi" ngay trong quý đầu năm. Theo đó, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 12%. Dù giá vốn hàng bán tiết giảm so với cùng kỳ nhưng trước sự sụt giảm mạnh của doanh thu nên biên lãi gộp trong kỳ đạt gần 10% trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận đạt 17,6%.

Ở chiều ngược lại, các chi phí của Thủy sản Nam Việt đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính đạt 24 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 34,5 tỷ đồng; giảm lần lượt 47% và 58% so với quý I/2023. Còn lại chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ, dừng lại ở mức 18,1 tỷ đồng.

Dù tích cực giảm chi phí nhưng kết quả cả quý, lợi nhuận sau thuế của Nam Việt vẫn ghi nhận giảm 82% xuống còn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với quý trước đó, kết quả trên của công ty là bước nhảy vọt, thoát khỏi khoản lỗ 518 triệu đồng vào quý IV/2023.

Chung cảnh kinh doanh ảm đạm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) ghi nhận doanh thu thuần của công ty đạt 1.629 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu từ thành phẩm cá tra ghi nhận giảm 20% so với quý I/2023 xuống còn 643 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các chi phí, quý I/2023, IDI báo lãi sau thuế 16,5 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, IDI đã hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.

Kỳ vọng nào cho ngành thủy sản?

Theo báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng ngành thủy sản năm 2024 sẽ hồi phục nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng do mức nền năm 2023 thấp và kinh tế thế giới hồi phục.

Cụ thể, triển vọng của ngành cá tra đến từ việc sản lượng năm 2024 tăng nhờ nền kinh tế Mỹ hồi phục và mức nền thấp năm ngoái. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng với cùng kỳ do phải cạnh tranh giá với cá rô phi khi nguồn cung cá rô phi dự kiến tăng cao.

Tại thị trường EU, nhóm phân tích VDSC kỳ vọng sản lượng và giá bán tương đương cùng kỳ khi phải cạnh tranh với nguồn cung dồi dào của cá minh thái. Còn đối với thị trường Trung Quốc, VDSC kỳ vọng sản lượng cá tra sang Trung Quốc năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tốt khi nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi vào nửa cuối năm 2023. 

Về ngành tôm, báo cáo của VDSC kỳ vọng tăng trưởng về lượng trong khi giá khó hồi phục. Tại thị trường Nhật Bản, ước tính sản lượng sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, trong khi giá bán sẽ tăng nhẹ khi sức mua tốt hơn trong bối cảnh tiền lương tại Nhật tăng cùng với mức nền 2023 thấp.

Thị trường Trung Quốc và Mỹ kỳ vọng sản lượng tăng trưởng nhờ nền kinh tế phục hồi trong khi giá bán tương đương cùng kỳ do áp lực cạnh tranh về tôm nguyên liệu còn cao.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/trai-chieu-buc-tranh-kinh-doanh-nganh-thuy-san-a102257.html