Gen Z chạy theo xu hướng tiết kiệm ồn ào, chuyên gia nhận định: “Bản chất của tiết kiệm không phải là cắt giảm chi phí”

Nếu cắt giảm chi phí không đồng nghĩa với tiết kiệm, vậy bản chất của tiết kiệm là gì?

Nếu như trong năm 2023, “sang trọng thầm lặng” (quite luxury) là khái niệm mới, được nhắc đến nhiều nhất, thì tới năm nay, ngôi vương lại thuộc về “tiết kiệm ồn ào” (loud budgeting).

Bắt đầu từ một trào lưu lan truyền trên TikTok, “tiết kiệm ồn ào” ngày càng được mọi người biết đến, trở thành xu hướng tiêu tiền được nhiều người thảo luận, đặc biệt là Gen Z.

Hiểu một cách đơn giản: Ngày xưa, cứ nhắc đến chuyện tiền nong là thấy ngài ngại, sợ người khác nghĩ mình nghèo, hoặc sợ bị đánh giá là không có tiền mà còn đua đòi tiêu hoang,... thì giờ đây, người ta lại chẳng ngại công khai ngân sách chi tiêu hàng tháng, cũng không còn xấu hổ khi rủ nhau săn sale, “lật tung cả cõi mạng” để tìm được shop bán đúng món đồ mình thích với chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất,...

Gen Z chạy theo xu hướng tiết kiệm ồn ào, chuyên gia nhận định: “Bản chất của tiết kiệm không phải là cắt giảm chi phí”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhìn chung "tiết kiệm ồn ào" là cách bạn từ bỏ theo đuổi cách chi tiêu của những người có tài chính mạnh hơn, có thể khiến bạn cảm thấy quá sức hoặc vỡ kế hoạch kinh tế. Song song với đó, bạn dám trò chuyện cởi mở về tiền bạc với những người xung quanh, đặc biệt là gia đình và bạn bè.

Thoạt nghe, đây tưởng chừng là một cách tư duy, một xu hướng tích cực giúp giới trẻ thay đổi thói quen chi tiêu. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hữu Trí (hay còn được biết đến với nickname Thầy Quéo) - Nhà sáng lập Học viện kỹ năng Awake Your Power, top 3 sinh viên tốt nghiệp với thành tích cao nhất tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), lại có quan điểm khác về “tiết kiệm ồn ào”.

Bản chất của tiết kiệm không phải là cắt giảm chi phí hay nỗ lực mua đồ giá rẻ

Sau khi xem những video mà các bạn trẻ chia sẻ bí quyết “tiết kiệm ồn ào” của họ, anh Nguyễn Hữu Trí thẳng thắn nhận định: “Mọi người luôn nghĩ tiết kiệm nghĩa là cắt giảm chi phí của mình, nhưng thực ra như vậy là không đúng. Bản chất của tiết kiệm là bạn phải tinh giản nhu cầu, chứ không phải cắt giảm chi tiêu.

Thay vì hướng ra bên ngoài, cố gắng tìm những cái deal siêu rẻ, để kỳ kèo mặc cả nhằm tiết kiệm từng đồng cho mình, thì những người thực sự khôn ngoan và hiểu đúng bản chất của tiết kiệm sẽ đi vào bên trong. Họ sàng lọc lại những nhu cầu của mình, bỏ đi những điều không thực sự cần thiết hay có khả năng mang lại sự hạnh phúc bền vững và lâu dài”.

Gen Z chạy theo xu hướng tiết kiệm ồn ào, chuyên gia nhận định: “Bản chất của tiết kiệm không phải là cắt giảm chi phí”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhận định của anh Nguyễn Hữu Trí, thoạt nghe, cảm giác có vẻ hơi trừu tượng nhưng thực ra lại rất dễ hiểu.

Giả sử lúc này bạn đang muốn mua 5 món đồ, bạn lùng sục tất cả các nền tảng Thương mại điện tử, ráo riết chờ ngày siêu sale để lao vào chốt đơn. Làm như vậy, bạn đương nhiên sẽ mua được 5 món đồ với giá rẻ hơn bình thường, vì mua vào đợt sale. Nhưng nghĩ theo hướng tinh giản nhu cầu mà anh Trí đề cập, bạn sẽ còn tiết kiệm được nhiều hơn nữa nếu chỉ mua 2 món đồ bạn thực sự cần, thay vì mua cả 5.

Tinh giản nhu cầu mới là bản chất của tiết kiệm vì lẽ đó.

“Khi bạn đã hiểu và tin rằng bản chất của tiết kiệm là tinh giản nhu cầu, bạn sẽ tiếp tục nhận ra một mục tiêu khác: Tiết kiệm để đầu tư cho những nhu cầu chiến lược. Với vợ chồng anh, nhu cầu chiến lược chính là giáo dục, bình an tài chính và sức khỏe.

Vợ chồng anh không tiếc tiền đầu tư cho con đi học. Con anh từng hỏi bố ơi sao nhà mình không mua ô tô mới. Lúc đó anh mới bảo con rằng năm nào nhà mình cũng mua 1 chiếc siêu xe mới đó con, chính là học phí của hai đứa đó” - Anh Nguyễn Hữu Trí vừa phân tích, vừa đùa.

Làm sao để “tinh giản nhu cầu” theo đúng bản chất của tiết kiệm?

Trong một video chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân, anh Nguyễn Hữu Trí từng thừa nhận bản thân anh đã chi cả đống tiền mua sơ mi, cravat, đồng hồ hiệu,... khi mới đi làm, chỉ vì sợ nhân viên cấp dưới không tôn trọng. Lúc đó, anh Trí nghĩ rằng mình phải “lên đồ” thật chất, phải đắp đồ hiệu, đồ đắt tiền lên người thì mọi người mới ấn tượng và nể mình.

Anh gọi đây là thói quen “tiêu tiền vì người khác”. Và có lẽ đó cũng chính là một trong những thói quen của những người chưa biết tinh giản nhu cầu để tiết kiệm.

Gen Z chạy theo xu hướng tiết kiệm ồn ào, chuyên gia nhận định: “Bản chất của tiết kiệm không phải là cắt giảm chi phí”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hiện tại, bản thân anh Nguyễn Hữu Trí đã thoát được cách tư duy, cách tiêu tiền có phần sai lầm ấy. Bí quyết giúp anh làm được việc này thực ra cũng khá đơn giản: Tìm ra thứ mình thực sự thích, thực sự đam mê và đầu tư vào nó.

"Vì anh mê leo núi và trekking nên anh sẽ đầu tư vào giày chạy, giày leo núi, đồng hồ đo nhịp tim. Anh chọn mua và dùng những món đồ mà anh thấy chúng hữu dụng với mình, tạo cho mình cảm giác thoải mái.

Bạn kiếm được tiền, bạn có quyền tiêu chúng. Kiếm tiền là phải tiêu chứ, đừng có bảo không tiêu là nghe vô lý lắm nha. Nhưng hãy tiêu tiền mình kiếm vào những thứ thực sự xứng đáng" - Nguyễn Hữu Trí khẳng định.

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ bật ra thắc mắc: Nếu như chẳng biết mình thực sự thích gì, thì sao? Với câu hỏi này, anh Trí giải đáp ngắn gọn như sau: "Bạn hãy dẹp bớt những thứ mà bạn chắc chắn là nó không phù hợp với mình đi. Bớt được những cái sai rồi thì cái đúng sẽ hiện rõ hơn thôi".

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gen-z-chay-theo-xu-huong-tiet-kiem-on-ao-chuyen-gia-nhan-dinh-ban-chat-cua-tiet-kiem-khong-phai-la-cat-giam-chi-phi-a102062.html