Căn bệnh được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”
Tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm nhưng diễn biến âm thầm, không rõ triệu chứng đã dần trở thành mối lo cho rất nhiều người. Đặc biệt, tăng huyết áp chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh nguy hiểm chết người như tai biến, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Theo bác sĩ Nguyễn Bình Chiêu, Khoa Tim Mạch, Bệnh viện An Bình (thành phố Hồ Chí Minh), tăng huyết áp là cái áp lực lên cái mạch máu mình. Trong máu có áp suất cao lên, thì gọi là bệnh tăng huyết áp.
Người ta gọi tăng huyết áp là “bệnh thầm lặng” vì hầu như tăng huyết áp không có triệu chứng.
Có người nghĩ, đôi khi có các biểu hiện như chóng mặt, nóng bừng mặt, đỏ mặt nhưng thật ra mấy triệu chứng đó không có đặc trưng cho cái bệnh tăng huyết áp. Đa phần tăng huyết áp sẽ không có triệu chứng mà hầu hết bệnh nhân đi khám bệnh mới phát hiện ra tình cờ.
Tăng huyết áp thường sẽ diễn tiến từ từ, cho nên cơ thể con người sẽ quen với điều đó, có người nhạy cảm người ta sẽ thấy khó chịu, có người sẽ quen dần.
Tuy vậy, tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khi tăng huyết áp kéo dài sẽ gây thương tổn cho nhiều cơ quan, đặc biệt là mạch máu não, mạch máu tim, mạch máu thận,...gây ra những biến chứng như là tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận,...
Bác sĩ Chiêu cũng chia sẻ thêm, nghiên cứu cho thấy rằng cứ 20mm huyết áp tâm thu hoặc 10mm huyết áp tâm trương tăng thì sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo Hội Tim mạch thành phố Hồ Chí Minh, có đến 1/3 trường hợp không biết bản thân bị tăng huyết áp; 1/3 trường hợp mắc bệnh, nhưng không điều trị, số trường hợp điều trị và kiểm soát huyết áp còn chưa cao. Trong số đó, không ít người trẻ bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng đặc biệt là những người trung niên, người già có sức khỏe yếu. Tuy vậy, theo ghi nhận của nhiều cơ sở y tế, chuyên gia, bệnh lý tăng huyết áp đang dần trẻ hóa khi lượng bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 đến dưới 35 cũng gặp phải rất nhiều.
Theo Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Lân Việt, nhóm đối tượng dễ có khả năng mắc tăng huyết áp bao gồm:
Gia đình có người tiền sử mắc tăng huyết áp: Bệnh tăng huyết áp có quan hệ mật thiết với nhân tố di truyền trong gia đình. Trong gia đình nếu bố mẹ đều mắc tăng huyết áp thì tỷ lệ mắc bệnh của con cái là 20 – 45%, còn nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tăng huyết áp thì tỷ lệ mắc bệnh ở con là 15 – 28%. Nếu bố mẹ có huyết áp bình thường thì tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở con chỉ là 3%.
Vấn đề tuổi tác: Đây là nhóm đối tượng rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Khi tuổi tác càng tăng thì tỷ lệ mắc bệnh về huyết áp cũng tăng theo.
Người thừa cân, béo phì: Người thừa cân nặng, béo phì cũng rất dễ mắc bệnh về huyết áp và tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh ở người béo phì cao hơn gấp 2 – 6 lần so với người bình thường.
Người mắc các bệnh lý nền như thận, tim, tiểu đường; Người dễ bị stress
Người có thói quen ăn uống không hợp lý, ăn quá mặn, nhiều dầu mỡ, ăn quá niều đường.
Người ít hoạt động, rèn luyện thể lực hoặc phải làm việc thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài, dẫn tới quá trình trao đổi chất, bài tiết trong cơ thể giảm, tuần hoàn máu chậm, chức năng tiêu hóa và hấp thụ của dạ dày giảm dẫn tới thể lực giảm sút theo đó thì tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường cũng tăng lên.
Người nghiện các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
Làm sao để biết bản thân mắc tăng huyết áp?
Bác sĩ Nguyễn Bình Chiêu cũng chia sẻ, nhiều trường hợp bệnh nhân thắc mắc bản thân có mắc tăng huyết áp hay không.
Tăng huyết áp phải được đo, xét nghiệm trong trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, không uống cà phê trước đó hay đang xúc động, tập thể dục, vận động mạnh trước khi đo. Và để khẳng định có các bệnh lý về huyết áp hay không cần phải đo huyết áp nhiều lần, thăm khám kỹ như đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bà Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các cơ sở y tế đang triển khai cập nhật thông tin trên điện tử.
Việc này giúp tìm hiểu xem người bệnh có được quản lý, điều trị liên tục hay không. Vì bệnh lý không lây, cần quản lý điều trị liên tục. Bởi chúng ta biết, với những bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… phải được theo dõi và điều trị liên tục mới giúp giảm ngừa các biến chứng.
Nếu như phát hiện các trường hợp không được quản lý điều trị liên tục hoặc điều trị không hiệu quả thì cơ sở y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh để hiểu thêm về việc tuân thủ điều trị.
Theo báo cáo Điều tra quốc gia, các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP) năm 2021, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên là 26,2%. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với 51,9%.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc bệnh, do vậy nên sàng lọc bằng cách đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. Tăng huyết áp là bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả thông qua việc tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều khi không có chỉ định của bác sĩ.
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/tang-huyet-ap-moi-de-doa-suc-khoe-moi-lua-tuoi-a101931.html