Giá vải thiều xuất khẩu sẽ tăng

Cơ quan chức năng huyện Thanh Hà (Hải Dương) vừa thông tin, năm nay vải thiều mất mùa nhưng giá vải xuất khẩu dự báo sẽ tăng cao.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, cho biết, năm nay địa phương vẫn duy trì 48 vùng trồng với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan… Toàn huyện có hơn 3.200ha trồng vải, trong đó 1.900ha trồng vải sớm, còn lại trồng vải thiều chính vụ. Ước tổng sản lượng toàn huyện khoảng 20.000-22.000 tấn, chỉ bằng 50% sản lượng năm 2023.

Giá vải thiều xuất khẩu sẽ tăng- Ảnh 1.

Người dân huyện Thanh Hà (Hải Dương) thu hoạch vải thiều năm 2023.

Theo bà Hà, qua khảo sát, địa phương đánh giá vải thiều sớm có sản lượng gần tương đương năm trước và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của mùa vụ năm nay. Trong khi đó, vải thiều chính vụ mất mùa, nhiều vườn không đậu quả. Vải thiều sớm gồm nhiều giống (u hồng, u trứng trắng, u gai…) có đặc điểm quả to, cùi dày, lượng đường vừa phải, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Bà Hà cho biết, để hỗ trợ nông dân, đầu tháng 5, huyện phối hợp Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hệ thống thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn về nhập khẩu tại các nước sở tại.

Họ đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng từng thị trường. Đồng thời, tìm giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh. Ngoài xuất khẩu quả vải tươi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, chú trọng chế biến sản phẩm từ quả vải để mở rộng thị trường.

Bà Hà cho biết, dự kiến cuối tháng 5, địa phương sẽ tổ chức lễ mở vườn thu hoạch. Mặc dù mất mùa nhưng chất lượng vải thiều được nâng cao, các doanh nghiệp dự báo giá vải xuất khẩu sẽ tăng đến 20%. Kim ngạch xuất khẩu vải thiều toàn huyện dự kiến bằng 70-80% năm 2023. Cận ngày thu hoạch, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cập nhật thông tin thị trường quốc tế hỗ trợ nông dân.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, huyện cũng tổ chức các đoàn tham gia xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của địa phương tại các thị trường nội địa lớn như Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, tổ chức các tua tham quan di tích lịch sử trên địa bàn kết hợp giới thiệu du lịch miệt vườn Thanh Hà.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, vải thiều là một trong 8 nông sản chủ lực của tỉnh, được sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Tỉnh duy trì hơn 8.800ha trồng vải, trong đó 2.700ha vải sớm và 6.100ha trồng vải chính vụ, cho sản lượng 55.000-60.000 tấn/năm. Do thời tiết không thuận lợi, dự kiến sản lượng vải năm 2024 đạt 40.000-45.000 tấn.

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/gia-vai-thieu-xuat-khau-se-tang-a101532.html