Hoang tàn sau hơn 10 năm hoạt động
Vào năm 2012, khu tái định cư tại buôn Ea Kal (nay thuộc thôn Phú Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được đầu tư xây dựng theo Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn mà Chính phủ áp dụng từ năm 2004 - PV). Qua đó, nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho 66 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với 276 khẩu ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk).
Khi đến khu tái định cư, mỗi hộ được cấp từ 350-400m2 đất ở, một căn nhà tái định cư xây sẵn với diện tích 28m2. Bên cạnh đó, với hộ dân có 4 nhân khẩu được cấp 3 sào đất ruộng sản xuất, hộ từ 5 nhân khẩu trở lên được cấp 5 sào.
Ngoài ra, nhà nước cũng quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở như điện, đường và hệ thống cấp nước sạch tại khu tái định cư nhằm tạo môi trường sống tốt nhất cho cộng đồng dân cư. Đặc biệt, khu tái định cư được xây dựng gần trung tâm xã và gần các cơ sở giáo dục và chợ, mang lại tiện ích, thuận lợi cho người dân sinh sống.
Theo chị H’Mên Mlô (SN 1991, một người dân tại khu tái định cư Ea Kal), việc nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư này là một chủ trương đúng đắn, giúp cho những hộ dân không có nhà, không có đất sản xuất như chúng tôi có điều kiện an cư lạc nghiệp.
“Gia đình tôi có 5 anh chị em, trong đó có 1 người em gái bị tàn tật. Do không có nhà, đất sản xuất nên khi còn ở buôn cũ, chúng tôi phải đi làm thuê khắp nơi. Cách đây hơn 10, gia đình được nhà nước đưa đến khu tái định cư Ea Kal. Tại đây, ngoài việc được hỗ trợ đất ở, nhà ở, gia đình tôi còn được cấp 5 sào đất ruộng để sản xuất lúa. Do đó, người dân chúng tôi rất phấn khởi”, chị H’Mên chia sẻ.
Tương tự, ông Y Lon Niê (SN 1977, sinh sống tại khu tái định cư Ea Kal) cũng không có đất ở, không có đất sản xuất khi còn ở xã Ea Kênh. Quanh năm, mọi người chỉ biết đi làm thuê các công việc nặng nhọc nhưng thu nhập cũng không đáng kể. Cách đây 11 năm, gia đình ông được nhà nước đưa đến khu tái định cư Ea Kal và được cấp 350m2 đất ở, 1 căn nhà cấp 4 diện tích 28m2, 3 sào đất ruộng. Kể từ đó, gia đình ông thoát khỏi cảnh lều tranh tạm bợ chẳng khác nào cái chuồng gà khi còn ở buôn cũ.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, khu tái định cư Ea Kal trở nên vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Không ít hộ lần lượt rời khu tái định cư, để trở về buôn cũ ở xã Ea Kênh canh tác, sinh sống.
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, nhiều căn nhà đang dần xuống cấp, hư hỏng, bay hết mái tôn, mất cả cửa và được bao trùm bởi cỏ, cây dại. Một số hộ dân nơi đây đã tận dụng những căn nhà bỏ hoang để bỏ rơm, củi...
Không chỉ vậy, công trình nước sạch tập trung tại khu tái định cư cũng hư hỏng và ngưng hoạt động nhiều năm nay. Bám trụ lại khu tái định cư Ea Kal nay chỉ còn 18 hộ nhưng cũng quanh quẩn với nghèo khó. Cụ thể, trong 18 hộ bám trụ lại thì chỉ có 1 hộ thoát nghèo, còn lại có 8 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo.
Vì đâu nên nỗi?
Người dân cho biết, quá trình sinh sống tại khu tái định cư Ea Kal, họ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nông Văn Đức (SN 1976, sinh sống tại khu tái định cư) lý giải, khi về sinh sống tại khu tái định cư, gia đình ông được nhà nước cấp 400m2 đất ở, 3 sào đất ruộng và căn nhà cấp 4. Trong khi đó, cả gia đình có tới 6 khẩu (2 vợ chồng và 4 đứa con) nên căn nhà có diện tích chưa đầy 30m2 không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Hơn nữa, diện tích đất ruộng hạn chế khiến gia đình chỉ có thể tự cung cấp gạo ăn hàng năm.
Để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và chi phí học hành cho con cái ăn học, hàng ngày ông Đức phải đi phun thuê từng bình thuốc sâu nhưng thu nhập chỉ được 200.000 đồng/ngày. Thực trạng này khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, gia đình ông vẫn thuộc hộ nghèo tại địa phương.
Đối mặt với những khó khăn tương tự, gia đình ông Y Lon Mlô đã vay mượn tiền bạc mua tôn về dựng thêm một phòng nhỏ ở một góc sân để có chỗ ngủ cho các con, cháu. Thế nhưng, mỗi khi có khách xa đến thì gia đình cũng không đủ chỗ để nghỉ ngơi.
Ngoài ra, công trình nước sạch tại khu tái định cư bị hư hỏng và ngưng hoạt động nhiều năm. Điều này khiến nhiều hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, người dân bỏ tiền để đào giếng nhưng nước bị nhiễm phèn, không thể ăn, uống được nên đành mua nước bình về dùng.
Người dân cho rằng, những khó khăn đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ bỏ khu tái định cư để trở về buôn cũ.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng thôn Phú Quý cho biết, buôn Ea Kal sáp nhập vào thôn Phú Quý từ đầu 2022. Nhiều năm nay, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn.
Theo ông Nghĩa, sau khi được đưa về khu tái định cư Ea Kal không lâu, nhiều hộ không ở đây mà trở về buôn cũ để sinh sống, sản xuất. Thực trạng này không chỉ khiến cho các căn nhà được nhà nước xây dựng ngày càng xuống cấp mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý của thôn, xã. Mỗi khi có việc liên hệ, thông báo, lãnh đạo thôn phải gọi điện hoặc đến từng nhà nhưng chưa chắc sẽ gặp được.
Thời gian qua, thôn và chính quyền địa phương đã liên hệ tìm, giới thiệu việc làm cho một số người dân khu tái định cư. Tuy nhiên, mọi người chỉ làm được thời gian ngắn rồi nghỉ việc nên thu nhập lúc có, lúc không; sản xuất lúa cũng chỉ đủ sử dụng trong gia đình...
Theo báo cáo của UBND xã Vụ Bổn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hộ dân bỏ khu tái định cư để về buôn cũ.
Cụ thể, vùng quy hoạch định canh, định cư về sản xuất chỉ có ruộng, không có đất màu nên khi làm ruộng xong họ về buôn cũ để làm thuê, làm rẫy của mình. Bên cạnh đó, làm ruộng hiệu quả không cao và đa số bà con nơi cũ vẫn còn đất sản xuất, điều kiện tìm việc làm dễ dàng hơn ở nơi mới. Do đó, họ không thiết tha ở lại khu tái định cư. Hiện nay, không ít hộ bỏ đất không canh tác, một số cho thuê lại.
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Trước tình hình trên, vào tháng 4/2021, UBND xã Vụ Bổn đã có báo cáo gửi UBND huyện Krông Pắk về tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các khu tái định cư trên địa bàn xã Vụ Bổn, trong đó có buôn Ea Kal. Theo đó, UBND xã đề nghị UBND huyện xem xét, hỗ trợ rất rẫy cho buôn Ea Kal.
Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Krông Pắk cho hay, việc cấp thêm đất sản xuất là rất khó khả thi. Thời gian qua, xã và huyện đã nhiều lần đề xuất, xin cấp đất rẫy và đất ruộng cho các hộ dân ở khu tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay, ở địa phương không còn qũy đất để cấp cho người dân. Bên cạnh đó, Luật Đất đai đã có nhiều thay đổi...
Cũng theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Krông Pắk, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính Phủ (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo, với số tiền 22 triệu đồng/hộ. Đồng thời, cấp bồn nước bằng inox, đào tạo nghề cho người dân...
Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng đường giao thông trong khu tái định cư, sửa chữa các căn nhà hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân về cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình...
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vi-sao-mot-khu-tai-dinh-cu-o-dak-lak-vang-nguoi-o-a101396.html