Theo Reuters, giá vàng thế giới đang mức 2.362 USD/ounce. Giá vàng hợp đồng tương lai tháng 6 chốt giá 2.375,4USD/ounce. Chỉ trong vòng một tuần, giá vàng thế giới tăng gần 3%, mức vọt tăng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Báo cáo của Gold Bullion cho thấy kể từ đầu tháng 5, giá vàng tăng 3,3%, tuy vẫn thấp hơn khoảng 70 USD so với con số kỷ lục 2.431 USD /ounce hồi tháng 4.
Giới đầu tư nhận định giá vàng tăng mạnh chủ yếu do áp lực về số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới nhất từ Mỹ ngày càng nhiều. Tình trạng này xuất hiện sau khi báo cáo kết quả việc làm tháng 4 thiếu ấn tượng. Điều đó vẽ ra bức tranh việc làm suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao và thu nhập trung bình giảm dần.
Tâm lý thị trường hiện phản ánh có đến 61% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 9, xác suất tăng lên 75% vào tháng 11.
Thông tin kinh tế Mỹ có ảnh hưởng lớn đến giá vàng trong thời gian tới là chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (được công khai ngày 15/5). Hiện, công cuộc chống lạm phát của Fed chưa triệt để do thị trường giá cả tăng trên ngưỡng mục tiêu 2%.
Ngoài ra, bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Fed ngày 14/5 thông báo tình hình sản xuất, doanh số bán lẻ tại Mỹ ngày 15/5 và thông báo về số lượng người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày 16/5... tiếp tục thúc đẩy giá vàng tăng mạnh.
Về nhu cầu vàng, số liệu gần đây của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy chỉ riêng trong tháng 3 các ngân hàng trung ương toàn cầu mua ròng đến 16 tấn vàng. Hoạt động này góp phần phá kỷ lục trong quý đầu tiên, với lượng mua tích lũy là 290 tấn vàng.
Ngoài việc Trung Quốc kiên trì tích trữ vàng, Hội đồng Vàng thế giới xác định Quỹ Dầu mỏ nhà nước của Cộng hòa Azerbaijan là người mua thường xuyên, bổ sung thêm 3 tấn vàng vào kho dự trữ hàng năm. Mặc dù đóng góp từ các quỹ đầu tư quốc gia còn khiêm tốn nhưng điều này mang đến một khía cạnh mới cho nhu cầu vàng chính thức.