Anh Trần Văn Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể, sáng 5/5, giá vàng khiến nhiều người choáng váng khi leo lên mức 85,9 triệu đồng/lượng, anh vẫn quyết định xuống tiền mua 50 lượng.
Theo nhận định của anh, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung khan hiếm nên anh quyết định đầu tư.
" Dù biết lúc giá đỉnh mua vào là rất mạo hiểm, nhưng tôi tin vào nhận định của mình là giá vàng đang vào đà tăng mạnh nên vẫn chi hơn 4 tỷ đồng để mua số lượng lớn ", anh Hải chia sẻ.
Những ngày sau đó, đúng như anh dự đoán, giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục mới.
Chỉ sau 5 ngày, giá vàng SJC đã leo lên mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Thấy giá đã đạt đỉnh, nên ngay trong chiều 10/5, anh Hải đã quyết định bán chốt lời.
" Tôi chỉ đầu tư 5 ngày, nhưng đã lãi 4,2 triệu đồng/lượng, tức là hơn 200 triệu đồng cho 50 lượng. Ai cũng khuyên tôi không nên đu đỉnh, nhưng thực tế tôi đã quyết định đúng, vì dù đu đỉnh nhưng tôi vẫn lãi đậm ", anh Hải cho hay.
Cũng theo anh Hải, anh đầu tư vàng gần 20 năm nay, nên anh cũng phần nào nhìn nhận được sự biến động của các đợt sóng. Hơn nữa, tiền đầu tư của anh là tiền vốn tự có, cũng không phải số tiền quá lớn trong cơ cấu tài sản của mình, nên anh mới dám liều lao vào giữa cơn sóng vàng.
Cùng nuôi ý định "lướt sóng" để kiếm lời với vàng nhưng chị Lê Thị Minh (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng lãi đậm khi "đu đỉnh" vàng.
Theo đó, chị Minh mua 30 lượng vàng từ cuối ngày 30/4, khi đó giá vàng bán ra là 85,3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chị Minh quyết định bán khi giá vàng đạt ngưỡng 89,3 - 91,3 triệu đồng/lượng.
Dù đầu tư chỉ khoảng 10 ngày, nhưng chị Minh vẫn lãi đậm. Cụ thể, với 30 lượng vàng, chị Minh lãi 120 triệu đồng.
" Lướt sóng, đu đỉnh vàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể trúng đậm, thắng lớn. Nếu ai may mắn mua sắm và vào đúng sóng tăng thì lãi đậm. Ngược lại nếu sóng đứt gãy thì nhà đầu tư lại thua lỗ ", chị Minh chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư vàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, người dân không nên mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.
Ông Nguyễn An Huy - chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc Công ty FIDT cho rằng, quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại.
Ông khuyến nghị một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ vàng với tỷ trọng 5 - 10% tổng tài sản.
Cũng theo Huy, những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn của các thương hiệu uy tín hơn là vàng miếng SJC tại thời điểm này.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, có những thời điểm giá mua - bán của vàng trong nước được điều chỉnh lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh rất lớn, thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.
Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.
“ Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, nhà kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với giá cao nên người mua đối diện nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng nếu thị trường biến động. Chênh lệch càng lớn, rủi ro càng nhiều ", ông Hiếu phân tích.