Trong ngày giá vàng tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, nhiều người dân Hà Nội đến các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy… để giao dịch mua vào song tình trạng giới hạn số lượng mua, không còn vàng, thanh toán tiền trước lấy vàng sau… đã diễn ra. Nguyên nhân là do nhiều cửa hàng thiếu vàng cục bộ.
Tại Trung tâm Vàng bạc Trang sức DOJI Cầu Giấy, nhân viên ở đây cho biết tiệm đã hết vàng miếng và vàng nhẫn tròn trơn. Theo đó, khách hàng muốn mua vàng phải trả tiền trước theo giá chốt tại thời điểm mua, và thời gian nhận vàng từ 20-5 đến 25-5.
"Nhiều khách hàng bên em đã thanh toán và hẹn lấy vàng sau. Mình cứ chốt giá, thanh toán, sau đó đến nhận vàng theo ngày hẹn. Mình thanh toán rồi, vàng là của mình nên yên tâm ạ. Sau ngày 25-5, mình muốn bán, bên em sẽ mua lại"- nhân viên vàng tại DOJI giải thích cho khách hàng.
Thanh toán tiền nhưng chỉ nhận được hóa đơn mà không nhận được vàng, song một số nhà đầu tư vẫn quyết định xuống tiền. Ông M.T. quyết định mua 36 lượng vàng và chuyển khoản thanh toán luôn. "Mua với mức giá cao như vậy cũng có rủi ro, nếu giá xuống thì phải chịu thôi" - ông nói.
Trong khi đó, cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu ở phố Cầu Giấy thông báo chỉ nhận mua vào, dừng chiều bán ra. Khách hàng khi vào giao dịch sẽ được hỏi nhu cầu và từ chối ngay tận cửa ra vào.
"Hôm nay, cửa hàng đã hết vàng, chỉ nhận mua vào. Nếu khách có nhu cầu mua vàng trang sức thì vào chờ giao dịch"- nhân viên liên tục thông báo khi thấy khách hàng mới.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vàng sẽ là kênh neo giữ tài sản, đó là lý do người dân tăng mua vàng.
Tuy vậy, bản thân ông Tú Anh cũng cho rằng khi xét trong bối cảnh hiện nay kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều dấu hiệu tích cực, vì sao nhu cầu về mua vàng trong dân lại tăng đột biến.
"Ai là người mua, tại sao họ cần vàng vào lúc này?"- đó là câu hỏi mà ông Tú Anh cho rằng cơ quan quản lý cần phải giải được để bình ổn thị trường này.