Starbucks khủng hoảng trên chính quê hương: Khách trung thành quay lưng, nhân viên đình công đòi quyền lợi

Starbucks không còn được người Mỹ sủng ái?

Khi nhà văn Natalia Nebel, 61 tuổi, ra ngoài uống cà phê espresso, Starbucks không còn là thương hiệu đầu tiên bà nghĩ tới dù quán ngay gần nhà. Điều này khác hẳn với quãng thời gian trước đại dịch Covid-19, khi nữ nhà văn Chicago này thường làm việc 4 ngày/tuần tại cửa hàng Starbucks địa phương. Không gian vô cùng thoải mái giúp bà “đổi gió”.

“Tôi từng suốt ngày ghé Starbucks nhưng giờ thì không. Tôi cũng không thực sự nhớ nó khi quyết định chấm dứt thói quen này”, bà nói với CBS và cho biết mình đang chuyển hướng sang những quán cà phê nhỏ lân cận.

Trong khi đó, Troy Turner (29 tuổi, cư dân Delaware) lại lựa chọn tự pha cà phê ở nhà bởi nó dễ dàng, nhanh chóng và không tốn kém. Theo Turner, cộng đồng “barista tại gia” với những hướng dẫn pha chế chi tiết đang thu hút rất nhiều sự chú ý trên mạng.

“Khi bắt đầu thích cà phê từ vài năm trước, tôi đã phân vân giữa Starbucks và Dunkin’ Donuts, nhưng rồi nhanh chóng tạm biệt cả hai nơi”, Turner bày tỏ.

Bà Nebel và Turner chỉ là hai trong số rất nhiều người đang dần hướng đến cuộc sống không Starbucks. Họ từng bước cắt giảm chi tiêu và bắt đầu lối sống tiết kiệm thông qua việc loại bỏ xa xỉ phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

Doanh thu hàng quý sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 cho thấy chuỗi cà phê lớn nhất thế giới dần đánh mất vị thế. Vấn đề tăng trưởng trong hệ thống cửa hàng đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, khi doanh số bán hàng ở cùng một nơi giảm 3% chỉ trong vòng 3 tháng.

Starbucks khủng hoảng trên chính quê hương: Khách trung thành quay lưng, nhân viên đình công đòi quyền lợi- Ảnh 1.

Theo giám đốc điều hành Laxman Narasimhan, người Mỹ với những gánh nặng tài chính đang chi tiêu ít hơn cho các dịch vụ nhanh, bao gồm cà phê Starbucks.

“Chúng tôi cảm nhận được tác động của việc người tiêu dùng ngày càng thận trọng. Họ cân nhắc nên đổ tiền vào đâu, như thế nào, nhất là với các gói kích cầu chi tiêu”, ông nói.

Neal Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData, bổ sung: “Starbucks là một trong những xa xỉ phẩm để nuông chiều bản thân. Mọi người có thể dễ dàng từ bỏ nó khi cảm nhận sức ép tài chính”.

Xu hướng này buộc các công ty lớn như Starbucks tìm cách xoay chuyển tình thế, bao gồm cập nhật ứng dụng đặt hàng và thanh toán di động, tăng tốc dịch vụ cũng như điều chỉnh menu.

Trước tình hình suy thoái của Starbucks, cựu giám đốc điều hành Howard Schultz đã đưa ra một số lời khuyên trên LinkedIn hôm 6/5. Nội dung như sau: “Các cửa hàng cần tập trung cao độ vào trải nghiệm khách hàng. Lời giải cho bài toán khôi phục vị thế không nằm ở dữ liệu mà nằm ở các cửa hàng. Tôi đề xuất Starbucks cải tiến ứng dụng đặt hàng và thanh toán trên thiết bị di động để nâng cao trải nghiệm khách”.

Bên cạnh lý do tiết kiệm chi phí, thay đổi sở thích..., cả bà Nebel và Turner đều thừa nhận xung đột của Starbucks với nhân viên khiến họ không còn muốn ủng hộ thương hiệu này. Theo quan sát thời gian qua của Nebel, một quán cà phê Starbucks ở Old Town, Chicago từng nhộn nhịp đã trở nên vắng vẻ với bầu không khí tẻ nhạt.

Trước đó, vào ngày 16/11/2023, khoảng 3.000 nhân viên của hơn 150 cửa hàng Starbucks tại Mỹ đã đình công nhằm yêu cầu cải thiện môi trường làm việc và tiền lương. Tổ chức nghiệp đoàn của Starbucks Workers United đã chọn Ngày Ly đỏ (Red Cup Day) để kêu gọi đình công vì đây thường là một trong những ngày bận rộn nhất năm.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi người tiêu dùng không thường xuyên hoặc ít yêu thích Starbucks quyết định tạm biệt thương hiệu nếu khó chịu với các chính sách lao động dành cho nhân viên”, Sean Dunlop, nhà phân tích tại MorningStar, nhận định.

Theo: CBS News

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/starbucks-khung-hoang-tren-chinh-que-huong-khach-trung-thanh-quay-lung-nhan-vien-dinh-cong-doi-quyen-loi-a100916.html