Theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Chính phủ về việc kết nối các tuyến cao tốc, tổng số vốn cần bố trí đầu tư hệ thống nút giao, đường kết nối để phát huy hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước là khoảng 174.543 tỷ đồng. Tính toán này dựa trên 134 kiến nghị của các địa phương trong cả nước.
Cụ thể, hiện nay đã bố trí khoảng 4.697 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện các nút giao (ngân sách Trung ương 270 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.427 tỷ đồng), Bộ GTVT tính toán nhu cầu cần bố trí bổ sung khoảng 28.332 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 7.231 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21.101 tỷ đồng).
Với các tuyến kết nối, nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện theo các kiến nghị khoảng 141.514 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 32.334 tỷ đồng, ngân sách địa phương 109.180 tỷ đồng), Bộ GTVT cho biết đến nay có khoảng 16.554 tỷ đồng đã được bố trí (Ngân sách Trung ương 600 tỷ đồng, ngân sách địa phương 15.954 tỷ đồng). Do vậy, cần bố trí bổ sung khoảng 124.960 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 31.734 tỷ đồng, ngân sách địa phương 93.226 tỷ đồng).
Khẳng định trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn, Bộ GTVT đánh giá việc cân đối ngay hơn 174.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện các nút giao, tuyến kết nối là khó khả thi.
Nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối là cần thiết để phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Cụ thể, Bộ GTVT và 8 địa phương (Cần Thơ, Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc) đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sớm đưa vào khai thác 9 nút giao, 10 tuyến kết nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư/đang triển khai xây dựng.
Đối với các nút giao, tuyến kết nối có nhu cầu cấp thiết, cần sớm bố trí vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cân đối khoảng 4.352 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương hàng năm, nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ bộ khoảng 2.075 tỷ đồng đầu tư 8 tuyến kết nối là các quốc lộ (Quốc lộ 19B, 19C, 29, 217, 217B, 49, 10, 91);
Hỗ trợ 8 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế) khoảng 2.277 tỷ đồng để đầu tư 2 nút giao, 10 tuyến kết nối.
Với các nút giao, tuyến kết nối cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT rà soát, ưu tiên bố trí hơn 24.800 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư 4 nút giao, 12 tuyến kết nối là quốc lộ, nhánh nối cao tốc (Quốc lộ 9B, Quốc lộ 1, 47, 45, 40B, 28, 55, 70B, 34B, Quốc lộ 3, 2 nhánh nối trên Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương).
UBND các tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Tuyên Quang, Đắk Lắk, An Giang, Sóc Trăng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp.HCM, Vĩnh Long, Hải Phòng, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La) rà soát, ưu tiên bố trí khoảng 114.995 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư 26 nút giao, 40 tuyến kết nối, đặc biệt đối với các dự án đang triển khai mà địa phương là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các nút giao, tuyến kết nối trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn khoảng hơn 7.000 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư 7 nút giao, một tuyến kết nối theo kiến nghị của 6 địa phương (Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) trên các tuyến Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây).
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/can-den-hon-174500-ty-dong-dau-tu-cac-tuyen-duong-ket-noi-cao-toc-a100869.html