Sau 31 năm hình thành và phát triển với hơn 20 năm vươn ra thế giới, Tập đoàn công nghệ CMC (CMC) đã trở thành một trong những doanh nghiệp CNTT tiên phong với tâm thế không ngừng lớn mạnh và vươn xa. Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC khẳng định: "Go Global – Chiến lược đưa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam đi ra thế giới, có chỗ đứng vững chắc trên toàn cầu luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn".
31 năm qua là hành trình lớn mạnh không ngừng trong chiến lược vươn ra thế giới của Tập đoàn CMC. Đến thời điểm hiện tại, ông có thể chia sẻ những thay đổi và trưởng thành của CMC trong thời gian qua?
CMC thành lập đến nay là được 31 năm và chúng tôi có khoảng 10 đơn vị thành viên với 4 mảng kinh doanh chiến lược gồm: Hạ tầng số, Giải pháp và công nghệ, Kinh doanh quốc tế và Đào tạo và nghiên cứu phát triển. Hiện tại, CMC có hơn 5.000 CBNV và chúng tôi đã đạt được quy mô công ty khu vực với doanh số và giá trị công ty vào khoảng 400 triệu đô la.
Chúng tôi có mục tiêu đến năm 2028 sẽ đưa CMC trở thành 1 Tập đoàn số toàn cầu với quy mô tỷ đô và số lượng nhân sự vào khoảng 15.000 nhân viên. Qua 31 năm, CMC đã có năng lực sở hữu hơn 20 công nghệ lõi, trong đó có công nghệ đứng thứ 12 thế giới về FaceID theo xếp hạng của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ - NIST, đáp ứng được nhu cầu hợp tác của hàng ngàn đối tác, khách hàng. Đây chính là niềm tự hào của người CMC.
Tập đoàn CMC của chúng tôi vinh dự vì đã có mặt và hợp tác với trên 30 quốc gia trên thế giới, trải khắp các châu lục từ châu Á - Thái Bình Dương đến Châu Âu và Mỹ, trong đó có những thị trường lâu năm như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đặc biệt, với CMC Japan, chúng tôi đã và đang đem những năng lực công nghệ của CMC đi ra thị trường thế giới với nhiều giá trị công nghệ sáng tạo và đổi mới.
Khi mới bắt đầu ra mắt CMC Japan, mục tiêu của ông là gì và đến thời điểm hiện tại, mọi mục tiêu đó đã trở thành hiện thực?
Nhớ ngày đầu thành lập công ty CMC Japan năm 2017 chỉ với hơn 50 nhân sự, đến nay chúng tôi đã phát triển được gần 1.000 cán bộ nhân viên chất lượng cao phục vụ cho thị trường Nhật Bản. CMC trở thành công ty ITO hàng đầu của Việt Nam tại Nhật. Sắp tới, CMC sẽ trở thành thành viên của Keidaren (Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản). Trong 6 năm qua, CMC Japan hoàn thành tốt mọi kế hoạch mục tiêu tại thị trường Nhật Bản,bao gồm cả chỉ tiêu về doanh số và nhân sự. Hiện nay, chúng tôi đang có những khách hàng lớn thuộc TOP 500 doanh nghiệp lớn trên thế giới như Honda. CMC hiện sở hữu hơn 20 công nghệ lõi, trong đó có công nghệ Xử lý hình ảnh (FaceID), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Text to speech) đang xếp thứ hạng cao trên thế giới… CMC hợp tác tư vấn và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho Honda, hỗ trợ quá trình thiết kế, chế tạo thông minh hơn bằng những công nghệ mới mà chúng tôi sở hữu. Cá nhân tôi nghĩ rằng, hành trình của chúng tôi với CMC Japan chỉ là mới bắt đầu và phía trước vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều thách thức để CMC tiến lên và chinh phục.
Vậy còn Hàn Quốc, CMC đã nhìn thấy triển vọng nào của thị trường này?
CMC đã có quan hệ đối tác với các đối tác Hàn Quốc từ 20 năm nay, nhưng chủ yếu là thị trường Hàn Quốc tại Việt Nam, tức là cung cấp các dịch vụ cho đối tác Hàn Quốc tại Việt Nam. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia rất phát triển ở đông Bắc Á, họ đang có nhu cầu và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về IT. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và lực lượng IT dồi dào, Đây chính là mảnh ghép quan trọng tạo cơ sở bù đắp và phát triển cho sự hợp tác phát triển trên thị trường Hàn Quốc.
Mặt khác, như các bạn đã biết Hàn Quốc là 1 trong những quốc gia là đối tác toàn diện của Việt Nam. Hàn Quốc có nền văn hóa và sự tương đồng văn hóa khá sâu sắc với Việt Nam. Điều đó cho thấy chúng ta có mối quan hệ gắn bó về văn hóa và lịch sử.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là các đối tác chiến lược, đối tác bạn bè của CMC đã có từ hơn 2 thập kỷ nay tại Hàn Quốc đều là tài sản quý giá mà CMC đang có được. Đặc biệt phải kể đến đối tác chiến lược là Samsung SDS.
Với ba yếu tố trên, CMC đánh giá Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng và có nhiều giá trị hợp tác bền vững.
CMC hiện đang có các mối quan hệ hợp tác như thế nào với các công ty Hàn Quốc? Ông vui lòng chia sẻ một số đối tác của CMC và tình trạng hợp tác hiện tại?
Thực tế, chúng tôi xác định Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường chiến lược, bởi trong trong lịch sử 31 năm của CMC thì chúng tôi đã có hơn 20 năm hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản thì cũng tương đương với khoảng thời gian đó. Chúng tôi là đối tác của nhiều công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung SDS, SK Telecom (viễn thông), CJ Olive Network (CNTT), Kookmin Bank (Ngân hàng), GS Retail (retail), LGU+, SK Telink, Huyndai IT,… với hàng trăm dự án lớn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng là đối tác chiến lược trong lĩnh vực Công nghệ - Viễn thông của Hàn Quốc cung cấp các giải pháp kết nối cho các đối tác, khách hàng của Hàn Quốc trên toàn cầu. Chúng tôi cùng nhau cung cấp các giải pháp, kết nối cho các khách hàng trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc qua Việt Nam, Ấn Độ, Châu Âu… Đặc biệt, từ cách đây 5 năm, Samsung SDS đã ký kết đầu tư chiến lược vào CMC và trở thành một cổ đông chiến lược lớn.
Ông có thể cho biết thêm, hiện tại giữa SDS và CMC đang có mối quan hệ như thế nào? Hai bên đã đạt được những thành tựu gì trong 5 năm vừa qua?
Có thể nói Samsung SDS là một khách hàng lớn, một đối tác chiến lược của chúng tôi. Đầu tiên, với Samsung SDS, chúng tôi có những chiến lược hợp tác cùng họ cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho chính Samsung SDS.
Chúng tôi đã cùng Samsung SDS tham gia rất nhiều các dự án, cùng nhau thực hiện những dự án cung cấp dịch vụ cho các khách hàng, thậm chí cùng nhau bắt tay để cạnh tranh với các đối thủ khác. Hợp tác này đã và đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam hay Singapore mà cả ở Hàn Quốc…
Đến tháng 8 năm nay, chúng tôi kỷ niệm 5 năm hợp tác quan hệ chiến lược giữa hai bên. Trong 5 năm qua, hai bên đã đạt được những kết quả tích cực mặc dù phải đối mặt với nhiều biến động của thị trường như Covid, suy thoái kinh tế… Thứ nhất, mức tăng trưởng trung bình vẫn đạt 15%/năm – đây là một con số khá ấn tượng. Thứ hai, trong 5 năm qua giá trị vốn hóa của CMC đã tăng gấp 3 lần. Trong hợp tác hiện nay CMC là đơn vị chính cho dịch vụ GDC của Samsung SDS, cũng như Samsung SDS là đối tác quan trọng của CMC trong việc cung cấp các giải pháp về nhà máy thông minh, an ninh an toàn thông tin…. Về cơ bản là chúng tôi đều hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong 5 năm qua giữa hai bên.
Với tốc độ phát triển và triển vọng thị trường như hiện nay, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của CMC sẽ là gì?
Mục tiêu trước mắt, CMC sẽ tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh cũng như các đối tác truyền thống, ví dụ Samsung SDS. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của CMC tại thị trường Hàn Quốc từ nay đến năm 2028. Ngày 8/5, chúng tôi chính thức ra mắt CMC Korea, trong đó có việc khai trương văn phòng, ra mắt trụ sở của Công ty tại Seoul. CMC Korea sẽ là một công ty Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ đầu tư và trở thành một Công ty của Hàn Quốc, đem lại những giá trị đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước Hàn Quốc cũng như Việt Nam.
Hiện nay, CMC có khoảng 1000 người đang làm việc cho thị trường Hàn Quốc. Kế hoạch đặt ra là sẽ đạt 2000-3000 nhân sự vào năm 2028.
Hiện có khá nhiều công ty Hàn Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự như CMC, họ đều là những đối thủ đang trên đà phát triển rất mạnh, được đầu tư lớn. Theo ông, lợi thế cạnh tranh của CMC so với các công ty này là gì?
Trước hết, CMC không bao giờ xây dựng chiến lược công ty bằng chiến lược cạnh tranh về giá, bằng chi phí giá rẻ. Thứ hai, trong chiến lược cạnh tranh thị trường quốc tế CMC xây dựng năng lực bằng cách tạo ra giá trị dịch vụ về mặt công nghệ mà mình có thể cung cấp được cho khách hàng. Chúng tôi không muốn sử dụng từ "bán" mà chúng tôi muốn là đơn vị cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ chất lượng cao mà CMC sở hữu. Ví dụ như mô hình GDC (Global Delivery Center) là mô hình cung cấp dịch vụ toàn cầu của CMC cho đối tác, khách hàng. Lưu ý là hiện tại chất lượng dịch vụ của CMC – của Việt Nam - đang được chứng minh là tốt hơn, không phải là rẻ hơn, mà ở tính chuyên nghiệp, tính chất lượng của dịch vụ cao hơn. Cho nên, nếu nói về nguồn nhân lực chỉ đơn thuần là các kỹ năng cơ bản như Java, .Net, về ngày/ người sau đó là giá thì thực ra là không có giá trị cạnh tranh gì so với đối thủ khác ngoài giá rẻ và đó là ngõ cụt. Chúng tôi cạnh tranh bằng cách tạo ra giá trị cho khách hàng dựa trên những năng lực công nghệ và kinh nghiệm mà chúng tôi đã tích lũy được.
Chiến lược của chúng tôi là mặc dù thị trường luôn có cạnh tranh nhưng thực tế CMC gần như hợp tác với tất cả các đối tác công nghệ tại Hàn Quốc. Cũng có lúc chúng tôi là đối thủ cạnh tranh của họ, nhưng vẫn với tinh thần hợp tác. Vì thực tế không có 1 công ty nào sở hữu được tất cả mọi năng lực công nghệ, công ty nào cũng có nhu cầu về hợp tác kết nối với nhau. Chính bởi vậy, CMC tiến ra thế giới với tâm thế của một dân tộc Việt Nam đam mê kết nối và cùng nhau chia sẻ thành công.
CMC có dự định cung cấp những dịch vụ gì và có nguyên tắc chung cho việc hợp tác với các đối tác mới hay không?
Rất nhiều. Đối với các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam chúng tôi cung cấp cho họ giải pháp về CNTT, giải pháp về quản lý nhà máy thông minh, giải pháp hệ thống an ninh an toàn thông tin; hạ tầng thì có hạ tầng Cloud, hạ tầng Data Center, hạ tầng kết nối mạng hệ thống thông tin của họ giữa Việt Nam và các nước…. Ví dụ như với Samsung, chúng tôi đang hợp tác nhiều mảng khác nhau: ngoài việc cung cấp trung tâm GDC để giúp Samsung đang làm dịch vụ trên toàn cầu. Toàn bộ bài toán kết nối bao gồm từ Việt Nam sang Ấn Độ, Việt Nam sang Mỹ… đều do chính CMC cung cấp. Tương tự với các khách hàng khác của Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang cung cấp những dịch vụ tương tự như vậy.
CMC có mong muốn và dự định được hợp tác với các đối tác CNTT của Hàn Quốc để phục vụ cho nhu cầu về CNTT của Hàn Quốc. Tôi được biết nhu cầu về thị trường CNTT của Hàn Quốc rất đa dạng và rộng mở. Hiện nay chúng tôi đã có những đối tác triển khai ở nhiều mảng lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến như trong lĩnh vực về tài chính ngân hàng, bảo hiểm, các hệ thống cung cấp cho nhà máy xí nghiệp (giải pháp nhà máy thông minh), hay các giải pháp AI, Cloud, Security… Còn về thị trường thì CMC sẽ ưu tiên các mảng: Automotive, Tài chính – ngân hàng, SME…
Công ty mẹ là một "ông lớn" trong ngành công nghệ, viễn thông của Việt Nam đem lại lợi thế gì cho CMC Global khi "hành quân" ra nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc?
Sau hơn 31 năm phát triển, chúng tôi đang sở hữu hơn 20 nền tảng công nghệ lõi đáp ứng được nhu cầu hợp tác của hàng ngàn đối tác, khách hàng trên khắp thế giới. Đây chính là niềm tự hào của người CMC. Và đó cũng chính là một nền tảng thuận lợi cho CMC Global khi tiến ra thế giới. Điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ đầu tư để CMC Korea trở thành một công ty của Hàn Quốc, đem lại những giá trị đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước Hàn Quốc. Từ 800 năm qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ thân thiết. Ngài Lý Long Tường cùng tôn thất nhà Lý của Việt Nam đã đến Hàn Quốc lập nghiệp và tạo dựng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước các bạn. Tôi mong rằng truyền thống đó sẽ được CMC tiếp nối để có thể phát triển thêm một mối quan hệ bền vững, đóng góp cho sự phát triển của Hàn Quốc.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hôm nay!