Giữa thời buổi kinh tế khó khăn nhưng lướt đâu cũng thấy các bài đăng khoe nhà, khoe xe ở tuổi đôi mươi khiến không ít người trẻ cảm thấy căng thẳng. Họ đối diện với áp lực đồng trang lứa này như thế nào?
Bấm điện thoại mất vui vì người ta Gen Z “this”, mình chỉ là Gen Z “that”
“Tồi tệ” là 2 chữ mà Hoàng Trâm Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. Đà Nẵng) tóm gọn về những ngày đầu năm 2024 khi nói về công việc của mình. Mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ với Trâm Anh cho đến tháng 2, cô nhận được thông tin rơi vào danh sách sa thải và đầu tháng 4 thì chính thức phải nghỉ việc.
Hiện, Trâm Anh vẫn đang ở nhà và lên mạng, rải CV để nhanh chóng đi làm lại. Tuy nhiên, theo nhận định của Trâm Anh thì tìm kiếm việc làm vào thời điểm này, giữa lúc các công ty đang cắt giảm nhân sự quả thật khó khăn hơn so với 1-2 năm trước.
Nghỉ ở nhà nên thời gian rảnh để lướt mạng xã hội của Hoàng Trâm Anh cũng gia tăng. Ban đầu, cô thấy việc dùng mạng xã hội cũng “vui vui” và “healing” bản thân nhưng sau đó, cô phải xóa bớt một vài apps vì liên tục bắt gặp bài đăng của những người trẻ khoe thành tựu tài chính ở tuổi đôi mươi.
Trâm Anh lý giải: “Với người đang thất nghiệp như mình thì lướt mạng xã hội thấy mọi người chia sẻ có mức lương 100 triệu, mua nhà và mua xe ở tuổi 25, 2-3 công việc tay trái,.. áp lực vô cùng. Hay các bài đăng làm sao để tăng thu nhập từ 10 triệu lên 100 triệu đồng chỉ sau vài tháng, cũng chỉ mang lại cho mình hoang mang thay vì truyền cảm hứng.
Nên có một thời gian ở nhà mình đã ngừng sử dụng mạng xã hội và tập trung vào những việc có ý nghĩa hơn cho bản thân như học thêm chứng chỉ và làm bài test đầu vào của công ty,... Điều này khiến mình thoải mái và bớt trách bản thân vì đã mất việc trong thời điểm kinh tế khó khăn”.
Đồng tình với câu chuyện của Mai Anh là Hữu Thịnh (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP. Hà Nội). Anh cho rằng ở thời điểm nào thì trên mạng xã hội cũng sẽ không thiếu các bài đăng chia sẻ về thành tựu tài chính của người trẻ, chẳng hạn như “Tôi đã có mức lương 100 triệu đồng như thế nào?”, “Tôi mua được nhà trước tuổi 30 ra sao?”,...
Giữa lúc kinh tế khó khăn và bão sa thải như hiện nay, những bài đăng này lại càng thu hút được chú ý và vô tình gây ra căng thẳng với người trẻ đang gặp khó khăn tài chính. Bởi lẽ phần lớn chia sẻ trên mạng xã hội có thể gây stress và áp lực đồng trang lứa vì nội dung đều theo hướng flex (khoe mẽ) về những gì đang có, chứ không đưa ra được lời khuyên hay kinh nghiệm cụ thể để mọi người cùng học hỏi.
Hữu Thịnh cho biết thêm: “Ban đầu mình cũng khá ngạc nhiên vì đọc được bài đăng thấy Gen Z khoe kiếm được hàng chục triệu, thậm chí kinh doanh riêng và có tài khoản ngân hàng tăng trăm triệu đồng/tháng,... Sau đó, mình nhận ra bản thân không học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đây, mà chỉ gia tăng peer pressure (áp lực đồng trang lứa) không cần thiết.
Bên cạnh đó, tiếp xúc với MXH nhiều sẽ khiến mình không có cảm giác ‘đủ’ về mặt tài chính. Đơn cử như trước đây, mình cảm thấy mức lương khoảng 50 triệu đồng/tháng của mình cũng khá ổn, chưa lấy vợ thì dư dả lo được cho bản thân.
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với mạng xã hội thì có thời điểm mình tự thấy đây không phải mức lương quá cao. Điều này khiến mình gia tăng áp lực tài chính, đi kèm với suy nghĩ cần phải làm nhiều việc hơn để mau chóng tăng lương, nhưng thực tế chưa cho phép mình ôm đồm quá nhiều công việc”.
Một trường hợp khác, Phương Hảo (36 tuổi, kinh doanh homestay và cafe ở Đà Nẵng) cho biết: “Nhiều người nói rằng giờ người trẻ kiếm tiền thuận lợi hơn so với thế hệ trước vì có nhiều content về kiếm tiền, đầu tư trên mạng xã hội. Mình thấy đây là nhận định không đúng.
Đồng ý là giờ mọi người chia sẻ dễ dàng hơn về cách kiếm tiền nhưng kéo theo đó là hình thành peer pressure nếu các bài đăng về mua nhà, mua xe, kiếm tiền tỷ... tuổi đôi mươi, hay “30 tuổi không có 100 triệu phòng thân là thất bại?”... dễ dàng lên xu hướng. Mà thực tế, hiện tại nhiều người trẻ còn đang thất nghiệp và chật vật trong chuyện tiền nòng hơn. Nói cách khác, nếu dùng mạng xã hội mà đọc các bài viết về tiền thì cần có cái đầu tỉnh táo và biết tách đâu là thông tin mình nên hoặc không nên tiếp thu”.
Tỉnh táo hơn khi đọc các bài đăng chia sẻ chuyện tiền nong
Về phía mình, Hoàng Trâm Anh nhận định ban đầu cô thấy rất căng thẳng khi đọc được tin tức về những người trẻ bằng tuổi mình sở hữu tài sản lớn, trong khi bản thân đang thất nghiệp và chật vật tìm hướng đi lâu dài cho sự nghiệp. Tuy nhiên, sau đó cô biết chọn lọc các content phù hợp với câu chuyện của mình thì thông tin hữu ích cũng được tiếp thu nhiều hơn.
Trâm Anh nói: “Mình đã xóa gần như các nền tảng mà mọi người chỉ chia sẻ đơn thuần về vẻ ngoài và thành tựu hào nhoáng của họ. Thay vào đó, mình bắt đầu tìm đọc nhiều hơn các bài đăng về người trẻ làm giàu từ con số 0 và chi tiêu làm sao lúc thất nghiệp.
Như dạo này trên MXH, mọi người chia sẻ nhiều hơn về phân bổ chi tiêu hàng tháng và dùng app quản lý tài chính, mình nhận ra hồi trước bản thân đã tiêu xài phung phí. Thế nên khi nghỉ việc, mình cũng chỉ có ít tiền trong tài khoản ngân hàng thôi, vẫn còn phải xin tiền bố mẹ, dù trước đó lương văn phòng không phải thấp. Đây là điều mình cần cải thiện hơn khi đi làm văn phòng lại”.
Còn về phía Hữu Thịnh, anh cũng đồng tình các nền tảng MXH vẫn có những bài đăng hữu ích và thiết thực về tiền nong, chẳng hạn như các content hướng dẫn đầu tư chứng khoán và kê khai thuế thu nhập cá nhân,... Tất nhiên, mạng xã hội nào cũng là con dao hai lưỡi và các bài đăng thường không được kiểm soát về độ chính xác, do đó người dùng cần tỉnh táo hơn khi lướt mạng xã hội.
Hữu Thịnh chia sẻ: “Các bài đăng về ngôi sao, hàng quán, mua đồ,... bạn có thể chỉ cần đọc giải trí thôi. Nhưng nếu đã đọc content về tiền nong mà còn định áp dụng chẳng hạn đem tiền đi đầu tư trên mạng,... thì cần tỉnh táo nếu không muốn bị lừa đảo. Vì theo cá nhân mình nghĩ, chẳng ai dễ dàng chia sẻ cách họ kiếm tiền trên mạng đâu.
Ngoài ra, để dùng mạng xã hội tốt nhất thì cần hiểu mình đang có gì và chấp nhận với mức độ tài chính bạn đang có, dù lương cao hay thấp. Điều quan trọng là bạn nên hiểu không ai có cuộc đời giống ai và đừng bị áp lực bởi con số. Thay vào đó là tự tìm con đường kiếm tiền cho riêng mình và chuẩn bị trước một khoản để lo liệu khi có biến cố tài chính ập đến”.