Bỏ quỹ bình ổn, Nhà nước bỏ tiền dự trữ xăng dầu
Chia sẻ tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) sáng 7/5, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho rằng, quy định cho phép được ký hợp đồng với 3 đại lý là quy định rất rủi ro nên tập đoàn không triển khai quy định này.
Đại diện Petrolimex đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại điều khoản này trong dự thảo để doanh nghiệp biết đường mà làm. Cùng đó, việc tăng dự trữ từ 20 ngày lên 30 ngày cũng là một vấn đề lớn với doanh nghiệp. Nếu Nhà nước muốn nâng dự trữ lên 50-60 ngày thì Nhà nước phải đầu tư, bỏ vốn ra, không thể chuyển hết sang cho các doanh nghiệp.
Nêu ra nhiều bất cập liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Năm cũng kiến nghị phải mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn do thời gian qua có thể thấy doanh nghiệp không được hưởng lợi gì. Thực tế thời gian qua, Quỹ Bình ổn gần như không cần trích chi sử dụng nhưng thị trường không gặp vấn đề gì, vẫn diễn ra bình thường. Trong khi duy trì quỹ, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra. Như với Petrolimex một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Rất khổ.
“Trường hợp vẫn giữ Quỹ Bình ổn để ổn định vĩ mô thì không để quỹ ở doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải giữ quỹ. Sai phạm vừa rồi của các đầu mối như Xuyên Việt Oil , Hải Hà là do quản lý quỹ, nhưng khi thực hiện giữ quỹ thì thủ tục phải đơn giản. Tiền trích nộp thì nộp vào ngay, chi ra cũng cần chi ngay. Đừng đưa ra các hàng rào kỹ thuật để rồi nộp vào rồi lấy ra khó. Chúng tôi thiên về hướng ủng hộ bỏ quỹ”, ông Năm kiến nghị.
Đại diện Petrolimex cũng cho rằng, cần xem lại cách tính giá cơ sở cũng như bổ sung quy định trích chi Quỹ Bình ổn trong công thức giá. Cùng đó, việc quy định tính dự trữ bình quân 30 ngày dựa trên sản lượng của năm trước là quy định rất không hợp lý. Bản thân Petrolimex dù có tiềm lực nhưng cũng không thể dễ dàng thực hiện.
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil - cho rằng, dự thảo mới cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay do còn nhiều vấn đề. Cùng đó, cơ quan soạn thảo xem lại cách tính toán giá cơ sở.
Khẳng định xăng dầu là lĩnh vực nhạy cảm với các đơn vị thanh tra, lãnh đạo PVOil cho rằng không nên thanh tra quá nhiều, một năm doanh nghiệp phải đón nhiều đoàn thanh tra, rất mệt mỏi cho doanh nghiệp Ông Dương cũng cho rằng, còn rất nhiều nghị định, thông tư khác ràng buộc doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo chỉ nên đưa ra các danh mục vấn đề để quản lý.
“Dự trữ lưu thông là trách nhiệm của Nhà nước, không thể đổ lên vai của doanh nghiệp được. Trách nhiệm của chúng tôi với nhà nước là thuế. Dự trữ 30 ngày, 50 ngày là trách nhiệm của nhà nước và nhà nước cần bỏ tiền ra”, ông Dương kiến nghị.
Không can thiệp quá sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khẳng định, trước hết cần chỉnh sửa các quy định bất cập trong dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó cần xem lại các quy định mâu thuẫn nhau trong chính dự thảo cũng như những vấn đề liên quan đến dự trữ của doanh nghiệp. Một trong những bất cập được doanh nghiệp nêu ra chính là tại Điều 17 của dự thảo Nghị định có quy định quyền của doanh nghiệp bán lẻ cho phép đầu mối thoả thuận với bán lẻ. Tuy nhiên, trong quy định với các đầu mối lại áp dụng việc thực hiện giá bán lẻ thống nhất trong toàn hệ thống.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, dự thảo nghị định muốn ‘sống’ được thì cần phải bám sát các vấn đề cuộc sống, bám sát thị trường. Những vấn đề còn bất cập qua thanh, kiểm tra, cơ quan quản lý sẽ ghi nhận và tiếp thu để thị trường dần ổn định.
“Thời gian hội nghị ngắn nhưng cơ quan quản lý rất muốn nghe ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến cách tính giá cơ sở xăng dầu để đảm bảo công khai minh bạch. Các ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ lắng nghe, tiếp thu”, ông Chinh nói.
Chia sẻ với PV Tiền Phong , đại diện một doanh nghiệp xăng dầu lớn cho rằng việc trong cùng dự thảo mà đưa ra những quy định không thống nhất với nhau thì doanh nghiệp không biết áp dụng kiểu gì? Chưa kể một số quy định trong dự thảo còn can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo vị này, nhiều "hạt sạn" khác cũng xuất hiện trong dự thảo khiến doanh nghiệp ‘ong đầu’ không biết thực hiện thế nào. Cụ thể, liên quan đến Khoản 2 của dự thảo cũng có điều khoản quy định: Thương nhân bán lẻ áp dụng hình thức mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối xăng dầu ; thương nhân phân phối bán lẻ tại cửa hàng bán lẻ. "Không thể hiểu được ý đồ của những người làm chính sách khi đưa ra quy định này để áp dụng theo hình thức nào, thẩm quyền ra làm sao?", vị này phân tích.
Bất cập khác cũng được doanh nghiệp đầu mối nêu ra chính là việc quy định cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy tối đa từ 3 nguồn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ hiện không có đủ bể chứa để chứa riêng xăng dầu mua từ các đầu mối, thương nhân phân phối khác nhau. “Còn nếu chứa chung cả 3 nguồn xăng dầu vào cùng một bể như vậy thì sẽ không biết rồi sẽ ra làm sao”, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nêu ý kiến.